Trong kết luận vừa công bố hôm 27/7, Thanh tra TP HCM cho rằng có dấu hiệu huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm tại Saigon Co.op nên đề nghị UBND thành phố chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.
Trả lời VnExpress sáng 28/7, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết kết luận thanh tra hiện không ảnh hưởng tới việc kinh doanh hiện tại. "Phần vốn góp của các hợp tác xã được thanh tra cho là bất thường vẫn chưa sử dụng nên các hoạt động kinh doanh liên quan không hề bị ảnh hưởng", ông Đức nói.
Saigon Co.op tiền thân là Ban quản lý Hợp tác xã mua bán thành phố, sau đó được UBND TP HCM tái cơ cấu thành Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố vào năm 1989. Đơn vị này hiện đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM với 26 hợp tác xã thành viên từ các quận, huyện.
Các lĩnh vực hoạt động chính của Saigon Co.op là bán lẻ, đầu tư, xuất nhập khẩu và sản xuất với 18 thương hiệu, công ty con. Bán lẻ là mang về nguồn thu lớn nhất nhờ hệ thống "chân rết" hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi 24h thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Cheers... phủ khắp cả nước.
Theo quy định của Saigon Co.op, đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất. Hội đồng quản trị do đại hội thành viên bầu ra trong nhiệm kỳ 5 năm, gồm 1 chủ tịch đồng thời là người đại diện theo pháp luật và 6 ủy viên. Các hợp tác xã thành viên đều có bộ máy điều hành và quản lý riêng, trong đó 25 hợp tác xã được tổ chức theo mô hình chủ tịch hội đồng quản trị kiêm nhiệm tổng giám đốc.
Nguồn tin của VnExpress cho biết, doanh thu thuần năm 2017 và 2018 của công ty mẹ Saigon Co.op lần lượt trên 17.600 tỷ đồng và 20.590 tỷ đồng. Năm ngoái, doanh thu nhảy lên 23.920 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp xỉ 980 tỷ đồng.
Còn theo số liệu đơn vị này tự công bố, doanh thu năm ngoái đạt hơn 35.000 tỷ đồng. Mục tiêu cho năm nay là tăng trưởng 10% lên 38.900 tỷ đồng nhờ phát triển thêm 200 điểm bán mới, vượt mốc 1.000 điểm bán vào cuối năm để trở thành đơn vị bán lẻ thuần Việt có nhiều mô hình nhất.
Saigon Co.op đang dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với tỷ lệ 43%, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai. Ở phân khúc đại siêu thị, đơn vị này cũng là nhà bán lẻ nội địa duy nhất nằm trong danh sách cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế như BigC, Lotte Mart, Aeon Mall.
Sự phát triển ổn định trong những năm gần đây, theo hãng kiểm toán Deloitte, đến từ việc đơn vị này am hiểu thị trường nội địa và đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng.
Hai doanh nghiệp phụ trách hoạt động sản xuất Saigon Co.op là Công ty Thương mại dịch vụ Xuân Hồng chuyên gia công, phân phối nông sản và Công ty Thực phẩm quốc tế Nam Dương nổi tiếng với thương hiệu nước chấm "con mèo đen".
Trong lĩnh vực đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op là doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính. Công ty đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Saigon Co.op còn một công ty chuyên về xuất nhập khẩu, là đơn vị phân phối và đại lý độc quyền của nhiều thương hiệu nước ngoài như viết Parker & Waterman, dầu gội Pantene, Head & Shoulders...
Bất thường trong tăng vốn
Trong kết luận công bố ngày 27/7, Thanh tra TP HCM đánh giá lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800-1.500 tỷ đồng. Có 6 hợp tác xã thành viên kinh doanh không hiệu quả trong niên độ tài chính gần nhất, tuy nhiên mức lỗ chỉ khoảng 100 triệu đồng.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, theo quy định, thu nhập của Saigon Co.op được phân phối theo thứ tự trích lập các quỹ và chia lại cho các hợp tác xã thành viên. Tỷ lệ phân phối do đại hội thành viên quyết định. Tính đến cuối năm ngoái, nguồn vốn hình thành từ lợi nhuận giữ lại hơn 3.180 tỷ đồng.
Nguồn tiền trong quỹ này từng được Saigon Co.op sử dụng để tăng vốn điều lệ, bên cạnh huy động từ các hợp tác xã thành viên trên tinh thần tự nguyện và tuân thủ quy định không được đi vay hoặc huy động từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh. Từ khi thành lập đến nay, đơn vị này 34 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký và 8 lần bổ sung vốn. Trong lần thay đổi gần nhất vào tháng 2, vốn điều lệ nhảy vọt từ 3.200 lên 6.797 tỷ đồng.
Thanh tra TP HCM nhận định việc tăng vốn này có nhiều điểm bất thường. Cụ thể, 20 trong số 26 hợp tác xã đã tham gia góp vốn tổng cộng gần 3.600 tỷ đồng. Các hợp tác xã có lợi nhuận cao, 5-6 tỷ đồng một năm không tham gia góp vốn trong khi các hợp tác xã lợi nhuận dưới 500 triệu lại góp đến vài trăm tỷ đồng.
Nguồn tin của VnExpress cho biết, có 11 hợp tác góp vốn trên 200 tỷ đồng trong đợt này. Như hợp tác xã thương mại dịch vụ Linh Tây cuối năm ngoái có vốn điều lệ chưa đến 600 triệu đồng nhưng số vốn góp vào hơn 952 tỷ đồng.
Theo Thanh tra TP HCM, nguồn vốn được một số hợp tác xã huy động từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Do tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở.
"Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động ban đầu", kết luận thanh tra viết.
Thanh tra cho rằng đây là dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, phía Saigon Co.op khẳng định sau gần nửa năm tăng vốn điều lệ, số vốn mới vẫn chưa được sử dụng nên hoạt động kinh doanh và đầu tư không bị ảnh hưởng bởi kết luận thanh tra.
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, các kết luận của Thanh tra TP HCM vẫn đang được xác minh nên doanh nghiệp không có bất kỳ bình luận nào.
Nhưng ông khẳng định, nội bộ doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định pháp luật, không có bất cứ "đấu đá" nào và ban lãnh đạo cùng nhân viên sẽ đồng lòng bảo vệ thành quả của hệ thống Saigon Co.op.
Phương Đông - Thi Hà - Minh Sơn