Quê tôi miền trung, gần làng biển. Mỗi năm về quê thăm mộ mẹ, lại thấy thêm nhiều nấm mộ gió, bia mộ phần lớn ghi tên đàn ông. Có người là bạn tôi, có người là họ hàng. Đa phần họ mất bởi tai nạn trên biển. Làng biển mùa này, nơm nớp nỗi lo của những người ở bờ. Nhìn ánh mắt buồn lay lắt của đứa bé gái 5 tuổi, nó ngồi yên trên bờ cát, nhìn vô định vào những con sóng bạc đầu trong chiều hoàng hôn nắng muộn mà xót xa. Trước khi về, nó thì thầm gọi "Cha ơi, về với con".
Dường như năm nào làng biển trên cả nước cũng có những vụ tai nạn trên biển, thương vong và cả mất tích. Mộ gió thì chẳng bao giờ có xương cốt của người đã mất, chỉ là nấm mộ vấn vương đau buồn của người còn sống với người đã ở lại với biển.
Đất nước hình chữ S, biển liền với đất từ cực đông bắc đến cực tây nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vũng lãnh thổ biển của mình, gồm đáy biển, mặt biển, không gian trên biển. Chưa có thống kê đầy đủ về số người dân sống nhờ vào khai thác biển và những dịch vụ đi kèm nhưng số lượng ngư dân và số lượng tàu đánh cá thì có thể kiểm đếm được.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, Việt Nam có khoảng 111.000 tàu đánh cá trên biển trải dài trên 23 tỉnh thành có biển. Nếu tính mỗi con tàu đánh cá có 7 ngư dân thì số người lênh đênh trên biển khoảng 777.000 người, cộng với số lượng tàu dịch vụ phục vụ đánh bắt hải sản thì số người bám sức ở biển khoảng 1.000.000 người.
>> Trẻ không học kỹ năng sống bằng cách tắm sông
Với vùng biển rộng lớn và phạm vi đánh bắt trải rộng từ bắc đến nam, với phương tiện khai thác thủy sản còn thô sơ và chủ yếu là tàu gỗ, kèm theo điều kiện tự nhiên thời tiết biển còn nhiều bất lợi thì việc bảo đảm an sinh, an toàn cho ngư dân trên biển là một điểm cần quan tâm hiện nay.
Đa phần ngư dân khai thác biển hiện tại vẫn đi đánh bắt xa bờ, lênh đênh trên biển 5-7 ngày, cách đất liền khoảng 30 -50 hải lý. Thiết bị liên lạc trên tàu cá chủ yếu là GPS định vị, hiện đại hơn thì có thiết bị radar để quét vật thể nổi trên biển nhằm phòng tránh tai nạn va chạm với tàu khác. Việc liên lạc trên tàu cá phần nhiều là phụ thuộc vào bộ đàm. Các thiết bị bộ đàm tầm ngắn phục vụ cho liên lạc giữa các tàu trên biển với nhau, trong phạm vi hẹp. Bộ đàm tầm xa thì phục vụ cho việc liên lạc với đất liền và các tàu phục vụ nghề cá, các tàu hỗ trợ ngư dân và cảnh sát biển. Các tần số liên lạc gần và tầm xa thường phải thực hiện rà thủ công nên việc liên lạc trong các tình huống khẩn cấp là vô cùng chậm trễ.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng hoặc các hiệp hội nghề cá hoặc các đơn vị có liên quan đến quản lý và khai thác thủy sản trên biển cần thống nhất một tần số cấp cứu khẩn cấp phục vụ cho ngư dân trên biển trong các tình huống an nguy. Tín hiệu liên lạc này, khi được ấn nút SOS thì tất cả các kênh đều có thể nhận biết được, gồm đất liền, đài duyên hải, các tàu đánh cá của ngư dân, tàu vận tải hàng hóa trong vùng biển. Một tín hiệu khẩn cấp được cài đặt đơn giản, thuận tiện khi sử dụng và đa kênh.
>> 'Gia đình chủ động dạy bơi cho con, đừng đợi nhà trường'
Mỗi mùa đánh cá là một mùa đầy bất trắc của ngư dân. Năm nào cũng có một vài vụ tai nạn chìm tàu, thương vong và cả mất tích trên biển. Việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ diễn ra thường xuyên và tốn nhiều công sức, tiền của. Phần nhiều, có nhanh lắm thì các tàu cứu hộ muốn đến được điểm gặp nạn cũng mất vài giờ đi biển và công việc tìm kiếm chỉ diễn ra một chiều do người tìm kiếm chủ động, rất ít tín hiệu cấp cứu mà những người gặp nạn để lại. Nên chăng, cần thêm các thiết bị phát tín hiệu cấp cứu cho mỗi cá nhân đi biển để còn có một tín hiệu sống dành cho người tìm kiếm.
Đến bao giờ câu ca dao "Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm" thôi hiu hắt buồn của người thiếu phụ. Đến bao giờ, làng biển cả nước thôi tiếng nức nở khóc của các mẹ, các chị và cả các bé nhỏ ấu thơ?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.