Ngày 14/3, UBND xã An Nhứt, huyện Long Điền cho công nhân, xe múc dọn dẹp, trồng cây trên hai tuyến đường nối quốc lộ 55 băng qua cánh đồng lúa để tổ chức điểm ẩm thực quê. Dự kiến, việc buôn bán sẽ khai trương vào giữa tuần tới.
Mô hình này từng được mở hồi tháng 1, cũng trên con đường ruộng cách đó chừng một km. Chính quyền cho 22 hộ nghèo, công nhân mất việc đặt quầy di động làm bằng tre, trúc bán gỏi cuốn, bánh khọt, bánh hỏi, chuối nướng, bán mì chả cá, bắp nướng... Các món ăn có giá bình dân 5.000-25.000 đồng.
Điểm ẩm thực quê trong thời gian ngắn thu hút rất đông người dân, du khách dẫn đến tình trạng ôtô đậu hai bên quốc lộ 55 gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, khu vực chưa có giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em, vệ sinh nên địa phương quyết định tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 3.
Đến nay, phương án hoạt động trở lại của điểm ẩm thực này đã được UBND huyện Long Điền thông qua. Tại vị trí mới, chính quyền bố trí một bãi đậu xe, lắp đèn năng lượng mặt trời, đèn trang trí, làm hệ thống lan can dọc kênh, trang bị phao cứu hộ, thùng rác, nhà vệ sinh, trồng hoa để tạo điểm nhấn.
"Địa phương ưu tiên 62 gian hàng cho những hộ nghèo, vừa thoát nghèo, bán hàng rong hay những công nhân vừa bị mất việc do nhà máy dừng sản xuất để giúp họ ổn định cuộc sống", ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch UBND xã An Nhứt nói và cho biết những tiểu thương phải trải qua đợt tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Theo lãnh đạo địa phương, điểm ẩm thực trên con đường nội đồng không làm cản trở lưu thông của người dân địa phương. Bởi việc thu hoạch lúa thường kết thúc trước lúc các quầy hàng mở bán.
Xã An Nhứt diện tích tự nhiên khoảng 594 ha, dân số hơn 4.100 người (1.126 hộ), phần lớn sống bằng nghề trồng lúa. Thu nhập bình quân đầu người ở địa phương hơn 89 triệu đồng mỗi người một năm. Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021 và đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay địa phương xây dựng khoảng 20 km đường nội đồng, bờ kênh. Trong đó, có nhiều tuyến thảm nhựa rộng 4-8 m, dùng đèn năng lượng mặt trời, băng qua cánh đồng ở huyện Long Điền, giúp người dân thuận lợi chăm sóc, vận chuyển lúa.
Trường Hà