Vở thời trang Cơn ác mộng của người thợ may được chia làm 4 chương, tương ứng với 4 bộ sưu tập của các nhà thiết kế Sylvie Trần, Châu Chấn Hưng, Hoàng Ngân, Công Trí. Nhân vật làm nhiệm vụ xuyên suốt, kết nối 4 chương này là người thợ may - một chàng trai khốn khổ. Anh ta phải vật lộn với những ý tưởng để sáng tạo, để rồi sau đó lại bị chính những sản phẩm của mình ám ảnh, trong mơ cũng không yên. Tuy nhiên, kết thúc có hậu của những vật vã, giằng xé đó là sự giải thoát và thăng hoa. Không có con đường vinh quang nào chỉ rải toàn hoa hồng, bộ sưu tập gồm 40 trang phục của Sylvie Trần được đặt tên Ác mộng của người thợ may chính là mang dụng ý đó. Nhiều mẫu của chị được trang trí bằng những vật dụng của nghề may như thước dây, kim băng, dây kéo, chỉ khâu... mới lạ và độc đáo.
Mẫu thiết kế của Sylvie Trần. (Ảnh do BTC cung cấp) |
Khác với đàn chị Sylvie Trần, nhà thiết kế trẻ Châu Chấn Hưng mang đến một cái nhìn tươi mát, mềm mại hơn với bộ sưu tập Vẻ đẹp tâm hồn. Trên nền chất liệu organza, voan... mỏng manh, gợi cảm, với những đường may uyển chuyển, duyên dáng, 20 bộ trang phục màu lam và màu kem của Châu Chấn Hưng thực sự mang dáng vẻ thanh thoát của mùa xuân. Tuân thủ đúng yêu cầu phản ánh đầy đủ các công đoạn để sáng tạo nên một bộ trang phục, những người mẫu thay trang phục ngay trên sâu khấu. Tuy nhiên, cảnh này không hề gây phản cảm.
Nhân vật người thợ may trong chương II "Sự ám ảnh của những chiếc mắc áo và những sợi dây chun đầy màu sắc. (Ảnh do BTC cung cấp) |
Nhà thiết kế Hoàng Ngân góp mặt với bộ sưu tập Con thuyền của Dali. Chị lấy màu xanh từ bức tranh The ship của danh họa Tây Ban Nha Salvador Dali làm gam chủ đạo cho bộ sưu tập. Các model lần này được tạo dáng trên ghế bar, sofa, cầu thang... như trong một buổi chụp hình mẫu thông thường nhưng lại gây ấn tượng. 10 người mẫu nam xuất hiện từ dưới đi lên, từ trên đi xuống càng tạo không gian mở hơn cho sân khấu.
Không phải ngẫu nhiên, Tay kéo mộng du của Công Trí được trình diễn vào cuối chương trình. 30 bộ trang phục của anh được chiếu hoa văn, tỏa sáng, rồi cháy bùng lên. Màn đốt trang phục kết "vở diễn" đã gây ấn tượng rất mạnh trong khán giả.
Mẫu thiết kế của Hoàng Ngân. (Ảnh do BTC cung cấp) |
Gần 2 tiếng đồng hồ xem múa, thời trang, xem những giằng xé, vật lộn của nghề sáng tạo, nhưng khán giả không hề cảm thấy mệt mỏi bởi sự đan xen đa dạng. Các model có lúc phải tạm quên dáng đi người mẫu để chuyển động như robot, hoặc phải thể hiện tâm trạng qua những bước đi, bước chạy dồn dập. Xuân Lan, Ngọc Thúy, Dương Yến Ngọc, Bằng Lăng, Phạm Thanh Hằng... nhờ vậy có nhiều "đất diễn" hơn. 70 người mẫu hàng đầu Hà Nội và TP HCM trình diễn trên nền âm nhạc electronic underground của nhạc sĩ Quốc Trung. Khi được hỏi "Cơn ác mộng được thể hiện thế nào bằng âm nhạc?", Quốc Trung trả lời: "Nó dữ dội, bức bí và nhiều kịch tính". Thực tế đúng là như vậy. Nhạc sĩ đã thực sự hòa mình vào cuộc chơi của cả êkíp. Ngoài ra còn phải kể đến hiệu ứng ánh sáng của Dũng Martin cùng màn phun khói màu tạo hình ảnh giữa chương trình. Biên đạo Tấn Lộc cùng vũ đoàn của anh cũng đã dồn tâm huyết vào các màn múa đương đại gợi nhiều cảm xúc.
Kết thúc đêm diễn, trên sảnh rạp Công nhân, gương mặt nhiều khán giả thể hiện sự mãn nguyện. Anh Việt Phương, đến từ quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhận xét: "Giới trẻ bây giờ thật may mắn. Họ có "đất", có sân chơi để thỏa sức sáng tạo. Thế mới biết nếu được tạo cơ hội, người trẻ có thể làm được nhiều việc. Tôi rất ấn tượng với sô diễn này".
Ý Phương