Heimdal, startup có trụ sở tại Hawaii, đang phát triển một phương pháp thu giữ carbon mới nhờ vào biển, giúp lưu trữ CO2 vĩnh viễn, đồng thời giảm tình trạng axit hóa đại dương, Interesting Engineering hôm 13/5 đưa tin.
Cụ thể, Heimdal bơm nước mặn vào một cỗ máy dùng điện để sắp xếp lại các phân tử trong nước và giảm độ chua. Axit được loại bỏ ở dạng axit hydrochloric, có thể đem bảo quản và bán riêng. Quá trình này tạo ra sản phẩm phụ là hydro và oxy, cũng có thể đem tích trữ. Trong khi đó, nước được trả về đại dương và giúp thu giữ CO2.
"Việc loại bỏ axit dư thừa khỏi đại dương giúp đưa CO2 trở lại trạng thái như thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp. Điều này khiến nó không còn là axit carbonic - nguyên nhân gây axit hóa đại dương - mà chuyển thành bicarbonate và carbonate. Đây là những dạng ổn định của CO2 khoáng hóa chìm xuống đáy đại dương, nơi có thể lưu trữ chúng hơn 100.000 năm", Erik Millar, đồng giám đốc điều hành Heimdal, giải thích.
Đại dương hấp thụ một lượng lớn CO2, dù càng chứa nhiều CO2, quá trình đó càng diễn ra chậm hơn vì các đại dương trên thế giới trở nên bão hòa. Đại dương đã hấp thụ 1/3 lượng CO2 dư thừa mà con người thải vào khí quyển.
Năm ngoái, nhóm nghiên cứu tại Đại học California Los Angeles (UCLA) thông báo, họ đang thành lập một startup mang tên Seachange dựa trên ý tưởng tương tự Heimdal. Phương pháp của họ chuyển đổi CO2 trong nước biển thành một vật liệu giống như vỏ sò, cho phép nó được lưu trữ vĩnh viễn. Phương pháp này ra đời cũng nhằm giúp đại dương hấp thụ nhiều CO2 hơn từ khí quyển.
Heimdal đã đưa vào hoạt động một nhà máy thí điểm chạy bằng năng lượng mặt trời. Nhà máy này sử dụng cơ sở hạ tầng của một nhà máy khử muối cũ với khả năng bơm một lượng lớn nước biển. Heimdal cho biết, công nghệ của mình hiện có thể thu giữ CO2 với chi phí 475 USD mỗi tấn và nhà máy thí điểm có thể thu giữ 36 tấn CO2 mỗi năm. Nhà máy tiếp theo dự kiến có thể thu giữ tới 5.000 tấn CO2 mỗi năm và hoạt động với chi phí thấp hơn, chỉ 200 USD mỗi tấn. Heimdal đặt mục tiêu xây dựng công trình này ở Bồ Đào Nha hoặc Dubai.
Công nghệ loại bỏ carbon khỏi khí quyển vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai và kinh tế có thể là một vấn đề lớn. Năm ngoái, nhóm nghiên cứu UCLA cho biết, họ sẽ cần khoảng 1.800 nhà máy để loại bỏ 10 tỷ tấn CO2 mỗi năm, tốn kém hàng nghìn tỷ USD. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), đến năm 2050, cùng với những nỗ lực giảm phát thải, thế giới sẽ cần loại bỏ khoảng 6 tỷ tấn CO2 mỗi năm để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)