Ryan là người có quan điểm ưu tiên dân giàu còn hơn cả Romney, khi cho rằng những người tạo được việc làm và dám chấp nhận thách thức đáng được khích lệ chứ không nên bị đánh thuế cao. Trái ngược với quan điểm trên, đương kim Tổng thống Obama nhận định giới nhà giàu đã được ưu tiên đủ, và giờ đã đến lúc họ phải trả nhiều hơn để đảm bảo công bằng.
Đây là khác biệt cơ bản giữa quan niệm "người tạo việc làm" và "người chia sẻ công bằng" trên con đường mà cả 3 chính trị gia đang theo đuổi để đánh thuế tầng lớp người thu nhập cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Chính luận điểm trên sẽ là cơ sở để các chuyên gia phản biện trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ông Mitt Romney lâu nay vẫn ủng hộ các chính sách có lợi cho người giàu tại Mỹ. Ảnh: Unitedliberty |
Trang CNBC đã tiến hành tìm kiếm và khảo sát chi tiết các bản kế hoạch thuế của Romney, Ryan và Obama. Tất cả đều được Trung tâm chính sách thuế (đơn vị trung lập, không thuộc đảng phái nào tại Mỹ) nghiên cứu kỹ càng.
Paul Ryan đã đưa ra hai kế hoạch: "Lộ trình tương lai cho nước Mỹ" hình thành năm 2010 và đề án liên quan tới ngân quỹ đã được trình lên Hạ viện. Cả hai đều đề xuất mức thuế tối đa đối với nhà giàu là 25% thu nhập, thay vì 35% như hiện nay. Trong bản Lộ trình của Ryan, những người có thu nhập từ 200.000 đến 500.000 USD mỗi năm sẽ hưởng mức giảm thuế bình quân 5.514 USD trong năm 2015, tương tự, các mức từ 500.000 đến một triệu USD sẽ hưởng 50.859 USD và trên một triệu USD hưởng 501.861 USD.
Theo dự thảo ngân sách gửi lên Hạ viện, các đối tượng thuộc một trong ba khoảng mức thu nhập như trên sẽ lần lượt hưởng các khoản cắt giảm thuế bình quân là 11.089 USD, 47.040 USD và 264.970 USD. Điểm khác nhau giữa hai dự thảo của Ryan nằm ở cách công dân sử dụng khoản lãi vốn và lãi cổ tức. Bản gửi cho Hạ viện bảo đảm thuế từ hai khoản lãi trên, trong khi bản Lộ trình lại bỏ thuế đánh vào rất nhiều dạng thức lãi đầu tư.
Có thể nói, hướng đi của Ryan đang là lựa chọn tốt nhất dành cho những người có thu nhập cao tại Mỹ (đặc biệt là những người kiếm tiền nhờ các khoản đầu tư), nếu đem so với các kế hoạch của hai ứng viên tổng thống Obama và Romney.
Về phía ông Mitt Romney, hiện ứng viên của đảng Cộng hòa này vẫn chưa công bố đường đi nước bước cụ thể của mình, nhưng chắc chắn dự thảo của ông sẽ giảm thuế cho người giàu, dù không nhiều như mức của Ryan. Romney muốn giảm thuế suất xuống còn 28%, nhưng vẫn giữ nguyên lãi vốn và lãi cổ tức cho các đối tượng có thu nhập trên 250.000 USD mỗi năm, cùng với đó là xóa bỏ thuế bất động sản.
Tổng thống Obama là người có kế hoạch đánh thuế nặng nhất vào những công dân giàu có của nước Mỹ. Ông Obama muốn tăng thuế thu nhập của những người này lên 39,6%. Với tỷ lệ như vậy, 3 nhóm thu nhập trên sẽ phải đóng thêm lần lượt 6.503 USD, 50.520 USD và 250.535 USD mỗi năm. Sự chênh lệch khủng khiếp giữa dự thảo của ông Obama và Ryan thể hiện ở con số so sánh giữa mức thuế phải đóng của từng thành phần thu nhập trong giới giàu. Người giàu trong chính sách của Obama phải đóng cao hơn 10.000 USD, trên 100.000 USD và 750.000 USD (tùy khoảng thu nhập nêu trên) so với kế hoạch Ryan đề xuất.
Ứng viên phó tổng thống Mỹ cho báo chí 'leo cây'
Phương Linh