Theo HK01, chung kết Miss Hong Kong 2021 hôm 12/9 đạt tỷ lệ người xem cao nhất (27,4%) khi khách mời - "Thiên vương" Trương Học Hữu xuất hiện và hát các bài nổi tiếng của anh. Con số này tụt giảm ở các phần trình diễn của 12 thí sinh.
Trong chung kết, nhiều góc quay tập trung vào ngực, vòng ba thí sinh. Ban tổ chức bị chê vô duyên khi đặt các câu hỏi để thí sinh hạ bệ nhau, như: "Bạn thấy ai khác biệt lớn trước và sau trang điểm?", "Bạn thấy nên loại ai nhất?". Thí sinh Trần Ý Đức được hỏi: "Bạn thấy bất công khi ai đoạt giải?", cô trả lời: "Quan Phong Hinh đa tài, hoàn hảo. Chị ấy mà đoạt giải người khác sẽ thấy chua chát lắm". Ý Đức được cho mỉa mai Quan Phong Hinh, bởi từ đầu cuộc thi, cô được truyền thông chú ý do là con gái ca sĩ Quan Lễ Kiệt.
Theo Sina, những năm gần đây, mỗi khi TVB công bố dàn thí sinh, nhiều khán giả bình luận: "Mỹ nhân đâu hết rồi?". Trên Thepaper, Tiểu Hân - một sinh viên Hong Kong - cho biết cô và nhiều bạn bè không bận tâm hoa hậu là ai, cũng không nhớ nổi tên của các hoa hậu những năm gần đây. Nữ sinh nói: "Hồi nhỏ tôi tin khẩu hiệu Sắc đẹp và trí tuệ song toàn của cuộc thi, nhưng bây giờ tôi thấy nó sáo rỗng". Tiểu Hân cho biết ngược lại, cha mẹ cô nhớ các hoa hậu, á hậu thập niên 1980 như "nhớ số châu báu trong nhà".
Tỷ lệ khán giả xem chung kết hoa hậu 1997 chỉ khoảng 20%, thấp kỷ lục vào 2001 (19%). TVB xoay xở để cứu tỷ lệ người xem nhưng nhận không ít chỉ trích "chiêu trò lố lăng, không tôn trọng phụ nữ".
Ban tổ chức từng tạo chú ý cho cuộc thi bằng cách yêu cầu thí sinh mặc gợi cảm chụp ảnh trên núi tuyết, mặc áo tắm nằm trên gạch nóng để chụp ảnh... Năm 2001, một số thí sinh bị đàm tiếu khi lộ vùng nhạy cảm vì mặc quần quá ngắn, mặc áo hai dây chụp ảnh trong mưa. Hơn hai thập niên qua, nhiều cô gái đoạt vương miện vướng ồn ào mua giải, nhan sắc bình thường cùng các bê bối đời tư như làm nhân tình của đại gia, hoa hậu và á hậu giành bồ của nhau...
Đạo diễn Lâm Dịch Hoa nhận xét tin tức về Miss Hong Kong hiện chủ yếu xoay quanh bê bối, khiến uy tín cuộc thi giảm sút, ngày càng ít người đăng ký tham gia. Trước đây, mỗi kỳ thu hút khoảng 1.000 thí sinh còn những năm gần đây chỉ hơn 100 người thi sơ khảo. Trần Bách Tường, diễn viên từng nhiều lần làm MC chung kết - cho rằng một trong nguyên nhân khiến hình ảnh cuộc thi sứt mẻ là các cơ quan truyền thông đăng ảnh hớ hênh của thí sinh, chế giễu nhan sắc họ. Anh cho biết tình trạng này không xảy ra ở thập niên 1980, 1990.
Bên cạnh giảm sút uy tín, cuộc thi không còn mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh như trước, do sự xuống dốc của ngành phim ảnh.
Theo nhà bình luận xã hội Lương Hồng Đạt, hào quang của Miss Hong Kong liên quan mật thiết sự phát triển của TVB. Cuối thập niên 1970 tới đầu 1990 được gọi là thời hoàng kim của nhà đài. TVB giữ vai trò "lò đào tạo những ngôi sao hàng đầu". Trên Mango TV, Trương Mạn Ngọc từng tiết lộ thi hoa hậu để tìm cơ hội vào làng giải trí, cô nói: "Đó là quyết định dũng cảm đầu tiên trong đời tôi. Trước đó tôi sợ cạnh tranh, sợ bị so sánh, sợ thua. Nhưng lần đó tôi hạ quyết tâm vì đó là cơ hội cho tôi vào ngành phim. Dù không đoạt giải, tôi vẫn có khả năng thành diễn viên".
Thập niên 1980, có năm sản lượng phim do Hong Kong sản xuất xếp thứ nhất châu Á, thứ nhì thế giới (chỉ sau Mỹ), theo Thepaper. Nhu cầu diễn viên tăng, các thí sinh từ cuộc thi dễ dàng có cơ hội diễn xuất.
Năm 1997, Hong Kong chỉ sản xuất 87 phim điện ảnh, bằng một nửa so với năm 1992. Ngay cả Hướng Hải Lam (hoa hậu 1998) - cháu của "trùm showbiz" Hướng Hoa Cường - cũng ít cơ hội diễn xuất. Theo Appledaily năm 2019, nhiều người đẹp ký hợp đồng với TVB sau khi đoạt giải, lương mỗi tháng khoảng 7.000 HKD (20,4 triệu đồng). Họ cũng ít đóng phim, dự sự kiện, vì thế tên tuổi mờ nhạt.
Những năm qua, sức ảnh hưởng của đài TVB còn bị lung lay bởi sự trỗi dậy của nhiều kênh thông tin hay các dịch vụ như HBO, Netflix... Khán giả ngày nay có nhiều lựa chọn giải trí, thay vì chỉ xem truyền hình, đọc báo như trước, điều này ảnh hưởng tỷ lệ người theo dõi cuộc thi nhan sắc.
Miss Hong Kong từng phát triển đỉnh cao cuối thập niên 1970 tới đầu 1990, là sự kiện quan trọng mỗi năm.
Cuộc thi được đài TVB tổ chức thường niên từ năm 1973 - hai năm sau khi Hong Kong chấm dứt chế độ đa thê, vị trí của phụ nữ cải thiện đáng kể. Giai đoạn này, không chỉ hoa hậu, á hậu được chú ý, không ít người chỉ vào top 20 song vẫn nổi danh, thành nghệ sĩ hàng đầu. Trong đó, Triệu Nhã Chi (giải tư năm 1973) ghi tên vào lịch sử phim Hoa ngữ với loạt tác phẩm gây tiếng vang châu Á. Trương Mạn Ngọc (á hậu năm 1983) thành minh tinh quốc tế. Viên Vịnh Nghi (hoa hậu 1990) đoạt giải Ảnh hậu các liên hoan phim lớn ở tuổi 23. Những gương mặt Chung Sở Hồng, Khâu Thục Trinh... không đoạt danh hiệu nhưng vẫn thành diễn viên thực lực hàng đầu... Giai đoạn này, tỷ lệ người xem chung kết cuộc thi thường đạt trên 40%, cao nhất vào năm 1991, với 44% khi Quách Ái Minh đăng quang.
Một trong nhan sắc điển hình bước ra từ cuộc thi là Lý Gia Hân (hoa hậu 1988). Từ cô gái nghèo, cô trở thành minh tinh được săn đón, sau đó kết hôn với tỷ phú. Người Hong Kong từng có câu cửa miệng: "Giàu như Lý Gia Thành, đẹp như Lý Gia Hân". Thành công của những tên tuổi Trương Mạn Ngọc, Chung Sở Hồng... giúp cuộc thi giữ uy tín cao, danh hiệu hoa hậu, á hậu cao quý trong mắt khán giả. Trần Pháp Dung (hoa hậu năm 1989) từng nói thời của cô, vương miện hoa hậu là mơ ước của nhiều cô gái
Dù bị khán giả nhận xét cuộc thi ngày càng ít người đẹp so với trước, đặc trưng ở Miss Hong Kong hơn 10 năm qua là các thí sinh học vấn cao. Hoa hậu 2021 Tống Uyển Dĩnh tốt nghiệp ngành Sinh học ở Đại học Toronto, Canada. Á hậu Lương Khải Tình tốt nghiệp Đại học Surrey (Anh) ngành Quản lý khách sạn. Cô còn tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản lý thị trường. Mạch Minh Thi (hoa hậu 2015) tốt nghiệp ngành Luật ở Đại học Cambridge, từng đoạt nhiều thành tích học tập ở Hong Kong... Hiện, Mạch Minh Thi là cố vấn doanh nghiệp.
Trên Liaoning TV, nhà bình luận xã hội Lương Hồng Đạt nhận xét trước đây cơ hội cho phụ nữ không nhiều, họ dựa vào nhan sắc để tạo sự chú ý, thay đổi vận mệnh. Các thí sinh hoa hậu ngày nay đa phần có học thức, trình độ chuyên môn. Họ ngày càng có nhiều lựa chọn và cơ hội thay đổi cuộc sống. Ngoài Miss Hong Kong, phụ nữ có nhiều sân khấu để thể hiện bản thân. Vì thế, không phải mỹ nhân ít đi mà là ngày càng nhiều người đẹp tìm được vị trí họ ưng ý. Do đó, đặt trong dòng chảy lịch sử, việc Miss Hong Kong không còn được quan tâm như trước không phải điều tệ. Từng là "tấm danh thiếp của Hong Kong", đến nay, cuộc thi chỉ phản ánh hình hài mới của thời đại.
Nghinh Xuân