Minh Vượng đến với nghề bằng khả năng thiên phú và được học hành bài bản. Năm 1974, chị vào trường nghệ thuật và 4 năm sau đó, chị đầu quân về Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng chỉ đến khi thể nghiệm những vai hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần thì tên tuổi Minh Vượng mới trở nên đình đám đến mức người ta cứ tưởng chị là diễn viên hài. Minh Vượng thèm diễn lắm, nhất là khi chương trình Gặp nhau cuối tuần tuyên bố đóng cửa. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7h sáng đến tận 2-3h sáng hôm sau.
|
Nghệ sĩ Minh Vượng. Ảnh: VNN. |
Minh Vượng đến với hài cũng tự nhiên như khi chị đến với sân khấu vậy. Chỉ khác là khi diễn hài, khả năng đó có trong chị một cách bẩm sinh vì bản thân chị ngoài đời cũng khá hài hước. Và thế là chị chỉ việc "bê" cái chất ấy trong mình ra mà diễn. Cái nhược điểm "thon thon hình vại, thoai thoải hình chum" lại trở nên... có duyên cho những vai hài.
Chỉ cần thấy "con rắn vuông" ấy xuất hiện trên sân khấu, cái dáng tất bật, khuôn mặt ngơ ngác và điệu cười rất bình dân là đủ chọc cười khán giả rồi. Vì thế, những vai hài qua diễn xuất của Minh Vượng cũng có sức cuốn hút đặc biệt, gần gũi nhưng không quá thô thiển.
Diễn trên sân khấu hài hơn 10 năm có lẻ, còn sân khấu kịch thì cũng đã trên 30 năm, chị thường ví nghề của mình như con tằm rút ruột nhả tơ, đem hết gan ruột mình ra để phục vụ cho đời mà vẫn chưa đủ. Cũng có khi nhận được những lời chê nhưng chị quan niệm "những người khen ta là bạn ta, những người chê ta là thày của ta".
Trong một tác phẩm 5 phút cười đã khó, huống hồ làm cả một chương trình dài 15 phút, có khi 30 phút hài. Nhưng qua mỗi vai diễn, chị luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo để làm mới mình. Rồi khi sân khấu hài miền Bắc trở nên thoái trào, chị thấu hiểu những nguyên do khiến hài Bắc tụt dốc, cũng muốn làm một điều gì đó để cái hài bớt thô và đơn giản đi.
Không phải đạo diễn nhưng chị cũng đã là chủ nhân của vài tiểu phẩm hài mà trong số đó đặc biệt phải kể đến Du học do chị tự biên tự diễn. Trong những ngày tháng cuối năm này, chị đang khá bận rộn để dựng những hài kịch ngắn cho Nhà hát.
Ở Minh Vượng luôn toát lên sự lạc quan yêu đời. Ngẫm ra, cuộc đời của một nghệ sĩ như chị được ông trời ban tặng cho nhiều thứ, song cũng đồng thời lấy đi nhiều thứ.
Có một dạo, báo chí và những người hâm mộ cứ xôn xao chuyện nghệ sĩ Minh Vượng lên xe hoa. Nhưng đến tận bây giờ, chị vẫn đi về lẻ bóng. Tưởng rằng đem chuyện chồng con ra mà nói với người kém phúc phận làm vợ, làm mẹ sẽ khó lắm, tế nhị lắm nhưng chị cứ bộc bạch nỗi niềm riêng tư một cách chân thành, bởi lảng tránh sẽ làm mình khổ tâm hơn mà thực chất là đang tự dối mình. Có lẽ vì thế mà nỗi buồn trong chị cũng nhẹ nhàng hơn, cảm giác được sẻ chia hơn.
Ít ai biết rằng có nỗi khổ riêng cản trở chị đi tìm hạnh phúc. Chị mang trong mình hai căn bệnh quái ác là bệnh tim và bệnh khớp. Có lúc, chân chị sưng lên như cây chuối, mọi hoạt động cá nhân phải có người giúp đỡ. "Hơn nữa, cho dù người ta có cảm thông với mình, yêu mình thật lòng thì bản thân mình cũng không thể đến với người ta trọn vẹn được. Lập gia đình thì phải có những đứa con và phải làm ấm lên ngôi nhà bằng những ngọn lửa, trong khi với bệnh tật hiện tại, khả năng sinh nở là rất kém. Thôi thì, bản thân mình đã khổ rồi thì đừng làm người khác khổ theo, nên biết bằng lòng với những gì mình có", chị tự an ủi mình như thế.
Để chống chọi với bệnh tật, người chị chẳng khác nào... tủ thuốc di động. Ngày nào cũng phải tiêu hoá hết 13 loại thuốc. Đáng sợ nhất là lần chị phải vào viện để mổ u vào năm 1994 và lần bị đột quỵ vào năm 2001. Qua 2 lần ở ranh giới giữa cái sống và cái chết, chị ngộ ra một điều: Còn sống ngày nào thì hãy làm điều tốt ngày ấy và hãy nhân ái hơn với mọi người. "Tôi chơi với những người khuyết tật, diễn cho trẻ em bất hạnh để các em hiểu hơn giá trị cuộc sống, rằng mình vẫn còn có ích cho nhiều người".
Nhưng cũng không thể tránh khỏi những phút chạnh lòng. "Vì thế, tôi rất ít đi đám cưới. Đến những chỗ đó tôi thấy mình thật vô duyên vì ai cũng có đôi có lứa, còn mình thì chỉ có một mình. Đến lại phải chứng kiến người ta lên xe hoa... Đó là một vai khó diễn nhất trong cuộc đời tôi, mặc dù tôi đã rất nhiều lần mặc áo cưới, nhưng mặc áo cưới của chính mình thì chưa", chị tâm sự.
Tuy không có gia đình riêng nhưng Minh Vượng luôn cảm thấy thật yên bình và hạnh phúc. Chị bảo: "Với tôi như thế cũng là quá đủ rồi, người ta cần phải biết nhìn lên để thấy ý nghĩa của cuộc sống và nhìn xuống để thấy những số phận bất hạnh hơn mình".
Và thế là bao nhiêu tình yêu chị dành hết cho công việc. Nhờ có tiếng cười mà chị trở nên lạc quan và không cho phép mình buồn. Hơn ai hết, chị là người rất hiểu giá trị của cuộc sống và luôn nhìn cuộc đời bằng lăng kính trong trẻo.
(Theo Gia Đình Xã Hội)