![]() |
Tác phẩm "Vũ điệu" của Phạm Minh Thông. |
Năm 2002, để khám phá thế giới mỹ thuật, khi còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội), hai họa sĩ trẻ (cùng sinh năm 1983) Phạm Minh Thông quê Bắc Ninh và Nguyễn Đức Thịnh ở Bắc Giang đã làm một chuyến phiêu lưu trong các làng nghề vốn tồn tại hơn 800 năm tuổi như Phù Lãng (Bắc Ninh). Tại đây, họ thỏa mãn lòng say mê tìm tòi, khám phá qua chất liệu mới: đất nung, đất sét.
Họa sĩ Phạm Minh Thông tâm sự: "Trước khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, tôi đã vẽ tranh sơn dầu. Nhưng sau khi phát hiện ra chất liệu đất nung, đất sét, trong suốt một năm làm ở công ty Thượng Nguyên, tôi vừa học cách làm vừa sáng tác. Quỹ thời gian của tôi, bất kể ngày đêm, đều dành cho sáng tác". Còn Nguyễn Đức Thịnh cũng đầu tư công sức, thời gian không kém cho niềm đam mê sau khi được làm quen với chất liệu đất.
Hầu hết các tác phẩm của hai họa sĩ đều mang nét mộc mạc và thuần khiết về những kỷ niệm tuổi thơ, về cuộc sống đời thường của người dân đất Bắc. Sen chiều của Đức Thịnh mềm mại trong bố cục thể hiện cảnh các bà, các mợ xuôi thuyền giữa đầm sen thu hoạch những búp sen hồng để kịp phiên chợ mới. Còn Minh Thông mạnh mẽ trong Vũ điệu thể hiện những đôi quạt xòe lồng vào nhau của các thôn nữ trong ngày hội làng.
![]() |
Tác phẩm "Dòng đời" của Minh Thông. |
Tại triển lãm, các họa sĩ đã truyền tải những thông điệp đầy ý nghĩa từ chất liệu đất. Những bức tranh và tượng đều mang màu sáng và rực rỡ của đất. Đất Phù Lãng nổi tiếng với nền đất chắc, độ bền cao, được người làng Thượng Nguyên và làng Nhung làm chum, ấm... Để có một bức tranh đất nung thành phẩm, hai họa sĩ đã phải trải qua nhiều công đoạn công phu như lấy đất sét từ sông Cầu (Bắc Ninh), sau đó xử lý bằng cách sàng lọc các tạp chất như, rồi giần mịn. Sau khi trải qua công đoạn chế tác, những tác phẩm tranh đất tiếp tục được cắt nhỏ và cho vào bao nung để giữ màu tươi đẹp, đều màu và giữ màu đỏ da lươn. Cũng như cách làm men gốm truyền thống, sau khi xử lý men, đất được nung hai ngày, hai đêm.
Điều làm người xem ngạc nhiên hơn nữa là đất Phù Lãng sau khi xử lý xong có thể ăn được.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc công ty Thượng Nguyên, đơn vị tài trợ chính cho triển lãm, cho biết :"Nguyễn Đức Thịnh và Nguyễn Minh Thông là hai thợ gốm trẻ có tay nghề cao của công ty. Tại công ty, mỗi nghệ nhân đều được khuyến khích tìm kiếm những sáng tạo riêng, nên các thành phẩm làm ra có ý nghĩa riêng biệt". Ông Nhật cũng cho biết thêm, những tác phẩm ở đây còn có thể giữ màu sắc trong vòng 100 năm nữa. Sau triển lãm này, công ty sẽ dành toàn bộ số tiền thu được ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam.
Triển lãm đang diễn ra và kéo dài đến hết ngày 28/9, tại Hội Mỹ thuật TP HCM, 218A, Pasteur, quận 3, TP HCM.
T.P.