Chiều tối 8/2, ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi), phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương lái ba gác chở ba chiếc xe máy cũ đến tiệm rửa sạch rồi mang về ngã tư quốc phòng, nơi ông hằng ngày đặt máy bơm, vá xe cho sinh viên.
Dưới ánh đèn đường, ông hì hụi thay săm, lốp, kiểm tra lại phanh, dây ga... rồi mắc võng ngủ lại để sáng sau tặng lại cho ba sinh viên nghèo. Một can xăng và ba bình dầu nhớt cũng đã được chuẩn bị sẵn. "Xe cũ nhưng tặng thì phải sửa lại để ‘chạy ngon’, không tụi nhỏ đi gặp trục trặc thì tội nghiệp", ông nói.
Người đàn ông ấy được sinh viên và dân quanh khu vực Làng Đại học gọi bằng cái tên "Minh cô đơn", chuyên bơm vá, sửa xe, chạy ba gác chở đồ miễn phí. Chẳng ai biết "Minh cô đơn" từ đâu đến và ai đặt cho ông cái tên như vậy. Chỉ biết, hơn 20 năm nay, ông ở đây một mình, không vợ, không con, không nhà cửa, làm đủ thứ nghề kiếm sống, đêm về nằm tạm trong căn chòi nhỏ dựng trong rừng tràm, gần khu vực Hồ Đá.
Anh Võ Văn Hùng, 45 tuổi, phường Đông Hòa kể, hơn 10 năm trước, khi mới biết Minh "cô đơn", anh đã thấy ông làm nghề chạy xe ôm, nhặt ve chai kiếm sống. "Cuộc sống khó khăn nhưng ông vẫn bơm vá xe cho sinh viên miễn phí. Ai cho đồ ăn thì nhận chứ ông Minh không bao giờ nhận tiền", anh Hùng nói.
Tám năm trước, khi mới về Làng Đại học mở tiệm tạp hóa, chị Lý Thị Mai thường gặp ông Minh đi chiếc xe máy cũ cùng cái máy bơm và bộ đồ nghề phía sau, ai hỏng xe gọi là chạy tới. "Ba năm nay ông ấy ngồi một chỗ, có người tặng cây dù lớn che nắng nên cũng đỡ vất vả. Được mạnh thường quân cho tiền thuê nhà trọ nhưng ổng không nhận, chỉ thích ngủ trong rừng", chị Mai kể.
Thấy ông ngồi ở ngã tư với máy bơm, dụng cụ đầy đủ, người đi đường thi thoảng cũng ghé vào bơm lốp, sửa xe nhưng đưa tiền thì ông phẩy tay từ chối: "Ở đây tui không lấy tiền của ai, tất cả đều miễn phí". Những gì ông Minh nhận lại là lời cám ơn, những cái cúi đầu chào của nhiều sinh viên mỗi lần ngang qua, thỉnh thoảng là ly cà phê hay bao thuốc lá...
Minh "cô đơn" được nhiều người yêu quý nhưng cũng không ít kẻ ghét bởi đêm đêm ông thường chạy xe đi tuần các tuyến đường nóng trong làng Đại học để hỗ trợ, cứu giúp những người gặp cướp giật, những nạn nhân của bọn biến thái.
Hôm 8/1, gần 23h, ông nhận được điện thoại của một cô gái nhờ sửa xe gần kí túc xá khu B. Mặc dù đã khuya, nhưng nghe chuông điện thoại liên tục đổ, ông Minh không yên bụng. Ông lập tức lái xe, chở thùng dụng cụ sửa xe ra giúp. Vừa dừng xe, bất ngờ một nhóm người trong bụi cây ùa ra định đánh. Ông chạy thoát nhưng chiếc xe máy cũ bị chúng đốt cháy rụi. Trở về, căn chòi cũng đã hóa thành tro.
Nghe tin Minh "cô đơn" gặp nạn, nhiều người tìm đến tặng ông xe máy, điện thoại, và hỗ trợ ông dựng lại căn chòi mới. Nhận gần 100 triệu đồng ủng hộ, ông bần thần bảo: "Mỗi ngày tui có mối giao hàng cho người quen kiếm được 100 nghìn, xài không hết. Tui không vợ con, số tiền lớn như vậy chẳng biết dùng vào việc gì".
Cuối cùng, ông quyết định sắm một chiếc xe ba gác để chở đồ đạc, chuyển nhà miễn phí cho sinh viên, số tiền còn lại mua hơn 200 bộ săm lốp xe máy để "tặng" những người cơ nhỡ. "Không phải ai tui cũng miễn phí. Lốp mòn mới thay, không phải sinh viên hay người lao động tui sẽ lấy tiền", ông nói.
Đúng 8h sáng 9/2, hai bạn sinh viên được tặng xe đến, ông Minh sốt sắng mở cốp lấy ra ba cái giấy đăng ký, nhờ mọi người xem giúp là của xe nào bởi ông không biết chữ. Nhận chìa khóa và giấy đăng ký xe từ tay ông Minh, bạn Trần Thị Hà, sinh viên năm 3 trường Đại học Nông Lâm xúc động nói: "Mình không ngờ chú Minh chu đáo đến vậy, đã tặng xe lại còn lo đến chuyện bình xăng, chai nhớt".
Không chỉ tặng xe máy cho sinh viên, tuần trước, ông Minh mua 2 chiếc xe máy cũ tặng một người bán vé số và một người chạy xe ôm ở Làng đại học. Ông Trần Văn Hoàng, 62 tuổi, bị khuyết tật, làm nghề chạy xe ôm được ông Minh tặng xe kể: "Lúc trước xe tôi nát quá nên khách ít đi xe của tôi, từ ngày có xe chú Minh cho, tôi chạy được nhiều cuốc hơn".
9h sáng, sau khi trao xe xong, ông Minh nhận điện thoại của bạn sinh viên nhờ chở đồ chuyển trọ từ ký túc xá đến đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức. Ông Minh dọn vội đống đồ nghề, khóa xe máy cẩn thận rồi leo lên xe ba gác.
"Tiền người ta cho tui, cho lại người khó khăn là điều tui cảm thấy ý nghĩa nhất", ông cười rồi nổ máy.
Diệp Phan