Nhạc sĩ Minh Châu. |
- Đang rất ăn khách với các ca khúc nhạc trẻ, vì lý do nào anh cho ra đời album rất lạ, trường ca “Bức tranh non nước”?
- Tôi vốn đa cảm, dễ khóc nên tâm huyết với thể loại dân ca cả ba miền đất nước. Nhưng khi viết nhạc trẻ, tôi vẫn tiếp cận thoải mái những hình thức hiện đại của âm nhạc thế giới như pop, rock, R&B... Lúc này, với trữ lượng tích luỹ, tôi muốn thử sức vào lĩnh vực trường ca. Làm trường ca Bức tranh non nước, tôi bỏ tiền túi hơn 50 triệu đồng để thực hiện album. Hồi âm rất khả quan. Hiện tại, tôi viết tiếp trường ca Phụ nữ Việt Nam, về những người mẹ, người chị gần gũi trong cuộc sống quanh mình.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến rằng, thị hiếu âm nhạc của số đông khán giả trẻ đang tuột dốc?
- Tác giả nào hài lòng với vài tác phẩm được khán giả trẻ ưa thích nhất thời là thiển cận. Khán giả trẻ vừa cần những ca khúc phù hợp với tâm trạng, vừa cần những ca khúc có tính định hướng, nâng dần gu thưởng thức. Đúng là gu nhạc của khán giả trẻ đang tụt hậu. Qua các chương trình ca nhạc ở sân 4A Nhà Văn hoá Thanh niên, tôi rất buồn khi một số giọng hát đẳng cấp cao chỉ nhận sự hưởng ứng lạnh nhạt, còn nhiều ca sĩ, nhóm nhạc dạng sao tưng tưng lại được khán giả ái mộ nồng nhiệt. Tuy nhiên, để nâng cao trình độ thưởng thức, chỉ giới nhạc sĩ thì không đủ.
- Sau các chương trình lớn vừa qua, làng ca nhạc râm ran bàn chuyện hát thật - hát giả của ca sĩ, kể cả người thuộc đẳng cấp danh ca. Là một nhạc sĩ có cơ hội đứng trong hậu trường, anh nói gì?
- Hát thật - hát giả có nhiều kiểu, nhiều loại. Thô vụng nhất là chơi trò lip-sync. Nhiều ca sĩ hạng sao cát-xê không dưới chục triệu đồng một show khi lên sân khấu quằn quại thảm thiết nhưng hoá ra chỉ nhép mà thôi. Giữa rừng ca sĩ hiện nay, những giọng hát tốt như Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Mỹ Lệ, có thể kể thêm Thu Minh, Minh Quân sẽ chịu thiệt thòi ít fan. Nhưng tuổi nghề của họ sẽ kéo dài. Tôi đoán chắc.
- Nhưng hát thật lúc này liệu có quá xa xỉ hay không, khi đa số ca sĩ quan niệm là sao thì phải nhiều show?
- Chính vì vậy những giọng hát như Mỹ Linh, Mỹ Lệ rất được những người trong nghề nể trọng. Bởi khi họ bước ra sân khấu, hát là làm nghệ thuật đúng nghĩa, đẹp đẽ, không vướng bận chiêu thức hay ứng phó với khán giả. Chẳng hạn, ở chương trình truyền hình cho phép lip-sync, Mỹ Lệ vẫn hát live rất chuẩn, không khác trong phòng thu. Chạy show nghiêm túc là nhìn vào chiến lược về nghề. Lam Trường là ví dụ một ca sĩ làm nghề chu đáo. Anh giữ được lửa khi hát, giữ thái độ đúng mực trước người nghe dù diễn nhiều show. Vì thế vị trí của anh khá bền trong lòng khán giả.
- Sau gần 30 năm trong nghề, anh nghiệm ra điều gì?
- Gần 27 năm chơi nhạc, sáng tác, lăn lộn qua đủ mọi nghề: cán bộ thuỷ văn, đi dạy, trưởng phòng âm nhạc nhà văn hoá, làm kế toán, chơi nhạc vũ trường, chuyên viên phóng xạ bệnh viện, rồi bây giờ làm biên tập băng đĩa ở Viết Tân Studio và Công ty Bạn Yêu Nhạc (MFC) tôi nghiệm ra điều cốt lõi trong nghề viết nhạc: Khi bắt đầu và kết thúc ở lòng chân thành với cuộc sống, niềm yêu thương sâu sắc với mọi người, tác phẩm của anh không bao giờ mất đi đồng cảm của công chúng. Anh có thể cô đơn, nhưng không lạc hướng.
(Theo Sinh Viên)