Thời điểm đó, dịch sởi bùng phát ở nhiều tỉnh, thành và đã để lại những hậu quả nặng nề. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt tại cuộc họp báo và trả lời nhiều câu hỏi nóng. Trong đó, khi được hỏi “có nghĩ đến vấn đề từ chức”, bà Tiến nói “lúc này toàn ngành đang phải tập trung giành giật sự sống cho các cháu, nên tôi chưa nghĩ đến vấn đề từ chức”.
Câu trả lời đó dường như được chấp nhận, khi Bộ trưởng Kim Tiến đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Thời gian trôi nhanh. Vào một chiều muộn cuối tháng 8/2017, tôi lại đến đưa tin trong cuộc họp báo Chính phủ và nghe thấy nhiều câu hỏi nóng dành cho lãnh đạo ngành y tế.
Một trong những vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến vụ án xảy ra tại VN Pharma, là Bộ trưởng Y tế có hay không người thân làm việc ở công ty này? Trong cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 30/8, thông tin em chồng Bộ trưởng Tiến tham gia VN Pharma với tư cách phó giám đốc được xác nhận. Tuy nhiên, theo phát ngôn của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến thì Bộ trưởng Kim Tiến đã “không nói, chứ không phải là nói không có".
Ông Tiến nhấn mạnh, Luật phòng chống tham nhũng quy định khi làm ở vị trí Bộ trưởng, chỉ có vợ, chồng, con, bố mẹ không được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực phụ trách, chứ không quy định em chồng.
Tức là có thể hiểu, rằng lần này chưa có câu trả lời nào được đưa ra.
Ông Thứ trưởng không sai khi nhắc đến pháp luật. Trong thực tế, các tình huống xung đột lợi ích có thể là một trong những nguồn gốc của tham nhũng. Chính vì vậy các nước đều có quy định để ngăn ngừa tình trạng lợi ích của nhóm quan chức và người thân đi ngược lại lợi ích công. Việt Nam không là ngoại lệ. Ngoài quy định trong Luật phòng chống tham nhũng nêu trên, vào năm 2012, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh đã ký ban hành quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định này nêu rõ, lãnh đạo chủ chốt các cấp “không được để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi”.
Hiểu như thế nào là “buôn lậu”, là “thuốc giả”, là “người thân”, có thể là những khái niệm pháp lý. Nhưng, xin thưa với lãnh đạo Bộ Y tế: Là một chính khách, ngoài trách nhiệm pháp lý còn có trách nhiệm chính trị.
Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm trước pháp luật. Những ai quan tâm đến vụ việc nêu trên sẽ chờ đợi cơ quan điều tra và đặc biệt là Thanh tra Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế.
Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri, nơi các chính khách phải có được sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân.
Tính chất của vụ VN Pharma đang khiến nhiều cử tri đặt nghi vấn. Đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu vấn đề, tôi xin trích dẫn nguyên văn: “Mặc dù vụ việc đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. Vì vậy, cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ mọi góc khuất”.
Để làm rõ trách nhiệm chính trị trước cử tri trong vụ VN Pharma, có thể áp dụng một trong những cách thức đã được quy định trong các đạo luật về Quốc hội, như: Chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm… tại kỳ họp Quốc hội. Giữa hai kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc các ủy ban có thể tổ chức phiên giải trình mà các nước thường gọi là điều trần. Ngoài ra, xét thấy cần thiết, Quốc hội sẽ tổ chức một cuộc giám sát hoặc thành lập ủy ban lâm thời để điều tra.
Vì Thứ trưởng Y tế đã nhắc đến tính đúng đắn của pháp luật, trách nhiệm của lãnh đạo ngành y tế trước “nhiều ý kiến rất bức xúc” càng cần được xem xét bằng một trong những chế định pháp luật.
Hơn nữa, thông qua các cách thức nêu trên, chính người lãnh đạo - ở đây là Bộ trưởng Y tế - sẽ có cơ hội giải trình trước công chúng về mức độ liêm chính của mình trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tôi muốn nghĩ rằng chính bà cũng đang chờ đợi một cơ hội lên tiếng.
Minh bạch là con đường ngắn nhất giúp soi rọi mọi góc khuất nếu có.
Võ Văn Thành