Thứ năm, 5/11/2020, 12:12 (GMT+7)

Milan - gã khổng lồ thức tỉnh

Bất bại, dẫn đầu bảng ở cả Serie A lẫn Europa League mùa này có thể xem là chỉ dấu cho sự đúng đắn khi Milan từng bước ra khỏi đêm dài mộng mị.

Rảo bước qua căn phòng danh vọng này hàng ngày nhắc nhở ban lãnh đạo Milan về tầm vóc lịch sử cũng như sứ mệnh phục hưng CLB. Ảnh: ACM

Trên đường đến khu văn phòng dành cho các lãnh đạo lớn của AC Milan, có một nơi không thể rời khỏi tầm mắt. Đó là bảo tàng của CLB nằm ngay tầng trệt Casa Milan (ngôi nhà Milan, theo tiếng Italy) - trụ sở hiện đại và hào nhoáng của đội bóng tọa lạc ở quận Portello, thuộc thành phố Milan sầm uất. Căn phòng được bài trí theo phong cách La Mã cổ đại chính là nơi cất giữ những danh hiệu lớn mà Milan đoạt được trong lịch sử chói lọi, đầy vẻ vang của họ. Nổi bật ở vị trí trung tâm là bản sao khổng lồ của chiếc cúp tai voi Champions League - bức chiến quả mà đã bảy lần những huyền thoại của đội bóng, như Paolo Maldini, được nâng cao.

Trên tay là ly espresso đặc và nóng hổi như bữa sáng thường ngày của người Italy, tại phòng họp ở tầng 4, CEO Ivan Gazidis tỏ rõ tham vọng về việc "nâng tầm CLB, trở lại là một thế lực lớn, một đối trọng thực sự, cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn trong thế giới bóng đá hiện đại ngày nay". Nhà quản lý này cho rằng đó là "một cơ hội thần kỳ", và đã lên kế hoạch chi tiết 18 tháng qua để "hiện thực hóa giấc mơ, chế tác nên một Milan mới". Tuy nhiên, điều cốt lõi là những giá trị truyền thống vẫn phải được duy trì và bảo tồn. Một thứ xúc cảm đầy tính "Milan" - thứ khiến tất cả milanista yêu màu đỏ đen kia đến cuồng nhiệt.

Đã 10 năm trôi qua kể từ lần gần nhất Milan đoạt Scudetto. Họ cũng đã vắng mặt ở Champions League - giải đấu mà họ là đội giàu thành tích thứ nhì châu lục, chỉ sau Real Madrid - từ 2014. Paolo Maldini từng nâng cao chiếc cúp bạc đó trong ba thập kỷ khác nhau với tư cách là cầu thủ. Biểu tượng của Milan hiện tại vẫn gắn bó với CLB, trong hàng ngũ lãnh đạo với chức danh Giám đốc Kỹ thuật, kề vai sát cánh bên Giám đốc Bóng đá Hendrik Almstadt, Giám đốc Thể thao Ricky Massara, Giám đốc Tuyển trạch năm nay mới 33 tuổi Geoffrey Moncada, cùng một đại diện của chủ sở hữu CLB - Quỹ đầu tư tài chính Elliott Management.

Paolo Maldini từng năm lần nâng cao chiếc Cup C1 / Champions League.

"Mỗi đội bóng sẽ có thời", Maldini nói với The Athletic. " Chúng tôi là một tập thể may mắn, khi chu kỳ thành công kéo dài tới 25 năm, đạt được những chiến cống hiển hách dưới thời Chủ tịch Silvio Berlusconi. Mỗi CLB bộ đều có từng thời điểm thăng trầm khác nhau. Điều đó cũng không ngoại lệ với Man Utd hay Real Madrid. Những đội bóng đẳng cấp luôn thừa khả năng đoạt mọi danh hiệu cao quý, nhưng khó khăn là điều không thể tránh khỏi, lúc này hay lúc khác, sẽ xuất hiện trong lịch sử hào hùng của mỗi đội".

Thương hiệu AC Milan là một thứ tài sản đầy sức mạnh, luôn trường tồn theo thời gian. "Những giá trị vẫn luôn song hành với chúng tôi, chưa bao giờ biến mất", Gazidis khẳng định. "Chúng được hình thành bởi những mối quan hệ nồng thắm giữa người với người, từ thế hệ này qua thế hệ khác". Hiện thân cho điều đó chính là gia tộc Maldini. "Cesare, cha tôi, từng là đội trưởng và là cầu thủ Italy đầu tiên giành danh hiệu đó," Paolo Maldini chia sẻ, với vẻ tự hào không giấu diếm, về "danh hiệu đó" - cách ông nói chiếc Cup C1 / Champions League danh giá. Sợi dây liên kết giữa Milan cùng gia đình Maldini và giải đấu là thứ gì đó rất khó giải thích.

Milan cũng từng đi qua giông bão, suy tàn trong quá khứ. Đó là cơn khát danh hiệu dài 44 năm đằng đẵng, từ 1907 đến 1951. Đó là thời khắc Baresi quyết chí ở lại để cùng "nàng thơ" của ông chiến đấu sau những lần xuống hạng đầu những năm 1980. Họ luôn tự tin và tin tưởng một điều rằng: "sau cơn mưa trời lại sáng". "Liverpool chính là minh chứng rõ nét nhất cho những gì chúng tôi đang trải qua", Gazidis nói. "Họ đã trải qua những giai đoạn tồi tệ, sự thất vọng luôn xuất hiện thường trực trên khuôn mặt của các CĐV trong một thời gian dài, nhưng những sự kết nối vẫn còn nguyên vẹn. Một cuộc phục sinh mạnh mẽ chỉ là vấn đề thời gian".

Quá khứ chỉ ra rằng Milan luôn biết cách sáng tạo, làm mới bản thân để đạt đến đỉnh cao danh vọng. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, họ luôn là người lĩnh ấn tiên phong cho những cuộc cách mạng bóng đá. Từ catenaccio của Nereo Rocco, tới trường phái pressing và phòng ngự khu vực (zonal marking) do Arrigo Sacchi khởi xướng, các ý tưởng luôn luôn sẵn sàng để tiếp bước, mang thế giới bóng đá đến những tầm cao mới. Biến đổi nó mãi mãi.

"Một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ", HLV Milan đương nhiệm Stefano Pioli bồi hồi nhớ lại những giây phút ông còn xỏ giày ra sân. "Đó là lần đối đầu giữa Milan với Verona". Pioli khi ấy đứng bên kia chiến tuyến và ông chưa bao giờ quên được trải nghiệm đối đầu Milan. "Chúng tôi may mắn giữ được một điểm, nhưng tôi không nghĩ chúng tôi triển khai bóng được quá vạch giữa sân. Đó là Milan của Sacchi. Không có khái niệm nào trong đầu tôi về những gì đang xảy ra. Tôi không thể đếm được bao nhiêu lần bóng đập xà ngang hoặc cột dọc. Họ chơi bóng nhanh gấp đôi bất kỳ đối thủ nào khác thời đó, với kỹ thuật trác tuyệt và cường độ dữ dội. Đó chính là sự cách tân so với thời đại".

MilanLab cũng là một điển hình khác trong việc thay đổi bộ mặt của môn thể thao vua, với những trang thiết bị đi đầu trong khoa học thể thao. Nhờ MilanLab, những cầu thủ như Maldini kéo dài sự nghiệp lên tới 40 tuổi. Cuộc chơi đã đảo chiều rất nhiều từ khi ông bước ra ánh sáng của bóng đá đỉnh cao. Maldini nhận thức rõ ràng về điều đó. Lục lại vùng ký ức về chiếc Cup C1 đầu tiên của bản thân vào năm 1989, cựu hậu vệ này nói: " Các CLB Anh bị cấm thi đấu tại ba Cup châu Âu hồi đó, và nếu bạn muốn có một cái tên siêu hạng trong đội hình, bạn chỉ đơn giản là đến ký hợp đồng với anh ta. Sẽ chẳng có trở ngại nào ngăn cản. Hiện tại, sự cạnh tranh gắt gao đến từ những CLB Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha nữa."

Lợi thế cạnh tranh chính là một thứ vũ khí quan trọng.

Sau kỷ nguyên Berlusconi, Milan sa sút và đến giờ vẫn chưa thể lấy vị trị một quyền lực của bóng đá châu Âu.

Năm 2007, Milan bước vào cuộc phục thù Liverpool tại Athens, hai năm sau cú sốc kinh hoàng xảy ra với họ ở Istanbul, với vị trí thứ năm trên Deloitte Money League - bảng xếp hạng CLB có doanh thu cao nhất châu Âu. Họ chỉ kiếm ít hơn đội đứng đầu - Real Madrid - khoảng 53,5 triệu euro. Hiện tại, Milan đã trôi xuống tận thứ 21. Doanh thu của họ chỉ hơn đội xếp cuối cùng, Leicester City, vỏn vẹn sáu triệu euro. Ngược lại, khoảng cách với đội bóng doanh thu đứng đầu thế giới bóng đá, Barca, là con số khó tin: 634,5 triệu euro. Sự tinh quái và thức thời trên thương trường cùng những hợp đồng truyền hình khổng lồ đã giúp Ngoại hạng Anh lớn mạnh. Trong khi đó, các CLB từ Bundesliga đã tái thiết toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất từ trước World Cup 2006. Thế hệ vàng của Tây Ban Nha giúp họ gặt hái các danh hiệu lớn trên trường quốc tế, cộng hưởng với độ phủ sóng toàn cầu của hai siêu sao Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, thiên tài của Pep Guardiola, đã mở ra một kỷ nguyên thống trị. Serie A là cái tên duy nhất bị bỏ lại phía sau.

Quy mô của nhiệm vụ hiện tại vô cùng rõ ràng. "Triệt tiêu những yếu tố liên quan đến cảm xúc, bất cứ ai nhìn vào Milan và bóng đá Italy đều thấy các thách thức", Gazidis thừa nhận. "Nhưng thứ mà tôi kiếm tìm chính là tiềm năng của những cơ hội đầy tính bất ngờ".

Tối đa hóa chúng và chắc chắn Milan sẽ hồi sinh, gặt hái được những vinh quang như thói quen của họ vẫn từng. "Chúng tôi đã vạch ra con đường phải đi. Nó được thiết lập sẵn rồi", Gazidis nói tiếp. "Chúng tôi không phải là Steve Jobs sáng chế ra những sản phẩm mới mẻ".

Và đây chính là những quá trình họ thực hiện điều đó.

Khi Milan được Elliott Managent Corporation tiếp quản từ doanh nhân Trung Hoa Li Yonghong tháng 7/2018, tất cả chỉ là một đống đổ nát.

Ban lãnh đạo cũ đã cố gắng đưa Milan trở lại vị thế vốn có bằng những vụ chuyển nhượng bom tấn trong giai đoạn 2015-2017. Tuy nhiên không phải lúc nào tiền bạc cũng mua được thành công. Milan thậm chí còn chẳng với tới giải đấu danh giá nhất châu lục - Champions League. "Tình hình tài chính tồi tệ đã khiến chúng tôi phải chấp nhận án phạt cấm thi đấu tại đấu trường châu Âu", Gazidis nói về việc rossoneri không đáp ứng được những yêu cầu đến từ luật công bằng tài chính (FFP).

Gazidis nhậm chức CEO Milan từ tháng 12/2018, khi đội bóng vẫn ngập trong hỗn mang của thời hậu Berlusconi.

Sau khi Elliott bơm 50 triệu euro tiền tài trợ khẩn để ổn định bảng cân đối kế toán của Milan, ban giám đốc mới đã cố gắng để xoay chuyển vận mệnh của đội bóng. Gazidis thừa nhận: "Tất cả số tiền lỗ của chúng tôi đều khởi phát từ lương cầu thủ và phí chuyển nhượng quá cao, nhưng thành tích thi đấu trên sân lại không tương xứng với đầu tư đó".

Quỹ lương cao của Milan giai đoạn ấy cao thứ hai tại Serie A mùa 2017-2018, nhưng đội bóng do Elliott tiếp quản chỉ cán đích thứ sáu. Gazidis nói thêm: "Đây là thách thức cho bất kỳ đội bóng nào. Chúng tôi phải chi tiêu một cách hợp lý hơn và cải thiện sự hiệu quả trên sân cỏ".

Vị cựu CEO của MLS và Arsenal đã thiết lập một ban giám đốc mới, tương đồng với đội ngũ tại Liverpool. Maldini, Massara, Almstadt, Moncada đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc đề ra. Chủ sở hữu Elliott cũng cử một đại diện góp mặt trong ban giám đốc. Gazidis nêu ra tầm nhìn chiến lược cho đường hướng kỹ thuật của Milan. Ông nói: "Chiến lược chủ yếu dựa trên nền tảng là tiến bộ trong bóng đá. Đó phải là thứ bóng đá mang hơi hướng hiện đại". Gazidis cũng muốn Milan giành quyền kiểm soát tuyệt đối cả trong và ngoài sân. "Tôi không muốn công tác định hình cầu thủ cần chiêu mộ bị tác động và bị những tay đại diện nhúng vào", vị CEO này nhấn mạnh. "Đó phải là một chiến lược đầy tính chủ động".

Các quy trình được xử lý thấu đáo, và hạn chế rủi ro đến mức tối thiểu, từ đó, CLB tự tin hơn hẳn trong các vụ tuyển mộ. "Tôi muốn có sự hỗ trợ và hợp tác đồng bộ giữa các giám đốc, điều đó đồng nghĩa chúng tôi phải sở hữu đội ngũ tuyển trạch tầm cỡ thế giới, đặc biệt tập trung vào những cầu thủ trẻ bởi họ chính là trọng tâm của chiến lược. Một điều không thể thiếu nữa chính là đội ngũ phân tích cũng phải là hàng đầu và xuất sắc. Phân tích đang ngày một phát triển và trở nên vô cùng quan trọng".

Milan chiêu mộ Moncada để dựng xây và lãnh đạo một hệ thống tuyển trạch toàn cầu. Khi còn là một cậu nhóc, anh là một fan nhiệt thành của Monaco. "Tôi từng si cuồng một tập thể có David Trezeguet, Christian Panucci, Marco Simone", Moncada nói với niềm hứng khởi dâng trào. "Một vài cầu thủ Italy đã chơi cho Monaco thời đó".

Moncada thật sự không có quá nhiều điểm khác biệt so với số đông CĐV Milan hiện tại thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là một tifosi chân chính. Anh có bộ sưu tập nhãn dán Panini, thưởng thức những trận đấu World Cup cùng ông bà. Mơ ước trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp đã không thể trở thành sự thật. Tuy nhiên, đam mê mãnh liệt đã đưa Moncada đến với Sophia Antipolis, một phiên bản Pháp của Silicon Valley và làm việc cho một công ty có cấu trúc tương tự như Wyscout.

Moncada, 32 tuổi, là người đứng đầu hệ thống tuyển trạch, phân tích của Milan.

Sau một vài năm miệt mài với công việc, anh cố gắng gia nhập Monaco và được tiếp nhận bởi Tor-Kristian Karlsen. Đội chủ sân Louis II khi đó hãy còn đá ở giải hạng Nhì Pháp - Ligue 2 - dưới quyền HLV Claudio Ranieri. "Tor-Kristian gọi đến cho tôi và nói rằng Ranieni cần một chuyên gia phân tích video", anh nhớ lại. "Ranieri phát cuồng với video. Mọi người thường đề cập đến Marcelo Bielsa, nhưng Claudio cũng không kém cạnh về khoản này. Ông ấy muốn có tất cả phân tích về đối thủ, từng cầu thủ của đối thủ và cả những phân tích về cầu thủ đội mình".

Monaco nhanh chóng thăng hạng, trở lại Ligue 1, và khi Riccardo Pecini thế chân Karlsen, công việc của Moncada lên một tầm cao mới. "Riccardo nói cần một điều phối viên phụ trách cả hai lĩnh vực tuyển trạch và phân tích video. Tôi đâu còn lựa chọn nào khác", anh kể, kèm điệu cười lém lỉnh. "Tôi đã làm việc cả tuần. Mệt muốn chết. Thậm chí thời gian nói chuyện với bạn gái cũng không có nốt. Tôi nghiên cứu các đối thủ vào buổi sáng và tham gia tuyển trạch vào buổi chiều".

Sống chết với đam mê là miêu tả chính xác nhất về Moncada. "Đó không phải là một cuộc sống mà mọi người hằng mong ước", chuyên gia phân tích này khẳng định. "Khi các chiến hữu của tôi thưởng thức bữa tối thịnh soạn, tôi có mặt ở khắp nơi, từ Bỉ, Pháp đến Brazil. Tuyệt miễn bàn. Nhưng tôi ở đó để theo dõi các trận đấu", anh kể. "Và cả các mạng lưới".

Thu thập các thông tin "tình báo" cũng là một phần của công việc, giống đánh giá phong độ, hiệu suất và khả năng tiềm ẩn. "Mọi người nhìn chúng tôi như thể những Điệp viên 007, cánh báo chí cũng thấy thế. Và thật sự thì nó là như vậy đấy", Moncada bộc bạch. "Bạn phải hành động nhanh nhất, hoặc ít nhất là phải cố gắng như thế. Mọi CLB lớn, như Bayern hoặc Man City, thường thực hiện hoàn hảo công việc trinh sát từ cấp độ trẻ."

Khi Monaco thay đổi chính sách chuyển nhượng, và thôi đổ tiền vào những thương vụ đắt giá như Radamel Falcao hay James Rodriguez, họ đề cao việc chiêu mộ thật sớm các tài năng như Bernardo Silva hay Tiemoune Bakayoko. Tuy nhiên, không vì thế mà thành tích của đội bóng sa sút, Monaco phá vỡ sự thống trị của gã nhà giàu PSG để vô địch Ligue 1 và vào tới bán kết Champions League năm 2017.

Khả năng đánh giá cầu thủ "với mục tiêu để phát triển" là những gì Moncada đánh giá cao ở những nhân viên dưới trướng anh. " Vào ngày xấu trời, nếu một cầu thủ 20 tuổi có một trận đấu tệ hại, nhưng vẫn còn đó tiềm năng dồi dào, thông tin ấy vẫn là rất quan trọng với tôi. Tôi thích khoảnh khắc một tuyển trạch viên nhìn nhận theo chiều hướng đó và nói với tôi: 'Này, gã kia không chơi tốt hôm nay, nhưng là tài năng thật sự đấy'. Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao cầu thủ ấy".

Và đó chưa phải là tất cả.

Moncada giải thích thêm: "Tôi không cần kiểu tuyển trạch viên lúc nào cũng có mặt ở mọi trận đấu. Thay vào đó, tôi cần một người theo dõi quá trình tập luyện, giao tiếp với phụ huynh và các Giám đốc Học viện. Thật dễ dàng khi đến xem một trận đấu, viết báo cáo của bạn, và thế là xong xuôi mọi việc. Chúng tôi có thể làm việc đó ở văn phòng. Phải có những thông tin chuyên sâu hơn một chút - như tình trạng hợp đồng, đặc điểm gia đình họ, chỉ những chi tiết nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Mối quan hệ nhân sinh chính là yếu tố then chốt".

Moncada và đội ngũ của anh theo dõi những cầu thủ từ lứa tuổi U17 trở lên. "Trong khoảng hai năm tiếp theo của sự nghiệp, họ sẽ nằm trong danh sách đội dự bị hoặc đội hình chính. Đến lúc đó, chúng tôi cũng đã nằm lòng họ được vài năm rồi. Tôi luôn muốn biết tất cả câu chuyện đằng sau và lý lịch của các cầu thủ".

Các tuyển trạch viên theo trường phái cũ thường có xu hướng nghi ngờ và trong một số trường hợp giữ thái độ không mấy thiện cảm đối với dữ liệu, họ cố phớt lờ sự có mặt của một số chỉ số như PPDA (trung bình số đường chuyền đối phương có thể thực hiện được đến khi có một hành động phòng ngự can thiệp), và "XG throw-in" (giá trị bàn thắng kỳ vọng từ những quả ném biên) xuất hiện trong những cuộc thảo luận. Nhưng ban phân tích của Milan - một đội nhỏ gồm 20 chuyên gia phân tích đầy sáng giá và sử dụng dữ liệu cung cấp bởi StatsBomb - đã phối hợp nhịp nhàng với Moncada, dù họ làm việc một cách độc lập để tránh những thiên kiến.

"Cuối cùng chúng tôi sẽ có một bản báo cáo bao quát và toàn diện với đầy đủ thông tin và thống kê," Moncada nói.

Sau đó, báo cáo của anh sẽ được gửi lên Maldini và hội đồng kỹ thuật để xin các ý kiến chuyên môn, rồi mới chốt mục tiêu chuyển nhượng tiềm năng.

Gazidis giải thích thêm: "Tất cả những điều đó - một tầm nhìn rành mạch, một chiến lược rõ ràng, một triết lý được củng cố bởi các quy trình hiệu quả - đem đến cho chúng tôi sự tự tin về các quyết định tập thể và mang tính hợp tác, với Paolo Maldini như là một điểm tham chiếu".

Maldini giải nghệ năm 2009 và từng sang Mỹ một thời gian, nhưng rồi vẫn lắng nghe tiếng gọi con tim, trở lại Milan tham gia dự án mới của Quỹ Elliott từ tháng 8/2018.

Đã 11 năm từ ngày Maldini treo giày, khép lại sự nghiệp vàng son. "Sau 25 năm cống hiến như một cầu thủ chuyên nghiệp, một chương mới đã mở ra", vị Giám đốc Kỹ thuật tâm sự. "Dù đã có những chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý cho việc giải nghệ, tôi nhớ hai điều đã xảy ra. Tôi đã có mặt ở Miami trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới và tự nhủ với mình: 'Tâm trí tôi đang không ở đây. Tôi cần đi tàu hỏa’. Tôi đã nhớ nó một chút nhưng thật sự cảm giác yên bình đã hiển hiện, tôi không bị những áp lực hay stress bủa vây".

"Sau đó là lần đầu tiên tôi trở lại San Siro. Đó là trận derby với Inter, ở vòng hai của mùa giải, và cảm giác khiến bạn nhớ nhung nhất chính là không khí phòng thay đồ với các đồng đội cùng sự hào hứng khi được thi đấu dưới một sân bóng đầy ắp khán giả vào đêm hôm đó. Điều đó cũng xảy ra khi Milan đối đầu Barca tại Champions League".

Thay vì theo đuổi nghiệp huấn luyện như người cha hay các đồng đội cũ Pirlo, Gattuso, Shevchenko hay Nesta, danh thủ 52 tuổi này lại chọn con đường riêng, với vai trò Giám đốc Kỹ thuật tại CLB ông yêu quý. Lắng nghe mỗi người trong số họ miêu tả về quá trình chuyển đổi sự nghiệp là một trải nghiệm lý thú. Họ đều ngủ ít hơn trước đây và sự khác biệt lớn lao nằm ở việc giờ đây họ phải suy nghĩ về một đội hình bao gồm 23 cầu thủ, thay vì chỉ tập trung vào bản thân như trước.

"Nhưng trên cương vị của tôi, bạn sẽ phải suy nghĩ về 200 người", Maldini cười lớn. "Khi là cầu thủ, bạn chỉ cần tập trung vào bản thân, nhưng khi được giao trách nhiệm với tấm băng đội trưởng trên tay, bạn sẽ là người giải quyết những vấn đề phi chuyên môn nằm ngoài phạm vi sân cỏ. Có một sự thật, là một cầu thủ, bạn luyện tập, chơi bóng và rồi trở về nhà. Đó là một công việc khó khăn nhưng sẽ cô đọng lại trong một khoảng thời gian ngắn. Công tác huấn luyện đã thay đổi rõ rệt trong 15 năm qua. Có thời các HLV chỉ có mặt trước buổi tập một giờ đồng hồ và rời đi cùng các cầu thủ. Hiện tại, nếu có một buổi tập lúc 17h, HLV sẽ có mặt từ 9h, lên kế hoạch cho mọi thứ và chỉ trở về nhà khi đồng hồ điểm 21h".

"Một giám đốc kỹ thuật thì có tới hai nhiệm vụ," Maldini chia sẻ. "Tôi làm việc tại văn phòng. Thị trường chuyển nhượng hoạt động quanh năm. Bạn sẽ gặp rất nhiều đại diện và những con người làm việc trong ngành công nghiệp này. Tiếp theo là tập trung vào vấn đề chuyên môn. Bạn quan sát các buổi tập của đội. Chúng tôi tạo dựng mối quan hệ bền chặt với CLB. Sau đó là đến các trận đấu chính thức."

Áp lực công việc không thể dập tắt đam mê rực lửa của ông cho Milan. Với Maldini, đó còn cao cả hơn là một công việc. Đó liên quan đến tình cảm cá nhân. Sợi dây liên kết chặt chẽ vẫn còn tiếp nối giữa gia đình ông và Milan. "Tôi chỉ có 8 ngày nghỉ trong năm nay", Maldini tâm sự, coi đó như tính chất tự nhiên của cuộc chơi. "Tôi nằm nghỉ ngoài bãi biển, nhưng điện thoại liên tục đổ chuông, đó là công cụ để trao dịch và bạn phải luôn sẵn sàng mọi lúc mọi nơi". Ông luôn cố gắng tự an ủi bản thân rằng hãy giành những ngày này để xả hơi, tạm rời xa sự bộn bề của công việc. Tuy nhiên, tình yêu quá lớn với Milan luôn thôi thúc Milan phải quay lại. Đội bóng là nhà, là gia đình, là cuộc đời lớn.

Từng là một one-club-man - cầu thủ chỉ khoác áo duy nhất một CLB trong toàn bộ sự nghiệp, kỳ chuyển nhượng tưởng chừng là khái niệm lạ lẫm và vô nghĩa với Maldini. Nhưng ông chẳng bận tâm. "Tôi luôn luôn căm ghét nó", ông cười nhẹ nhàng. "Vui thú của tôi đều tập trung vào các trận đấu". Thời còn thi đấu, Maldini cũng có một người đại diện, Beppe Bonetto, nhưng ông tin tưởng tuyệt đối vào những lời mà cựu CEO Adriano Galliani và Giám đốc Thể thao Ariedo Braida nói. Kịch bản của mọi cuộc đàm phán hợp đồng là một. "Tôi không muốn ra đi và tôi nghĩ rằng các ông ấy cũng không muốn vậy. Thậm chí, tôi tự mình xử lý ba tới bốn vụ đàm phán hợp đồng cuối cùng", Maldini kể lại. "Tôi đã cảnh báo người đại diện của mình. Vẫn là Beppe. Tôi nói rõ ràng với ông ấy là tôi sẽ tự nói chuyện với CLB. Sau chức vô địch Champions League 2007 tại Athens, tôi trong tình trạng chống nạng đã đến gặp ban lãnh đạo. Mọi thứ đều êm xuôi, tất cả điều kiện được chấp thuận, và chúng tôi ký kết hợp đồng mới."

Cảm giác hồi hộp pha chút kịch tính của một cuộc đàm phán đương nhiên không thể so sánh với sự bùng nổ khi chơi một trận đấu lớn, nơi adrenaline được bơm đầy cơ thể. "Thật đáng tiếc khi bạn không được tận hưởng cảm giác adrenaline chạy dọc sống lưng với bầu không khí cuồng nhiệt và choáng ngợp tại ngay chính sân vân động", Maldini thừa nhận. Quan điểm của ông về thị trường chuyển nhượng sau hai năm làm Giám đốc Kỹ thuật ở Milan cũng đã thay đổi. "Đó là một phần của cuộc chơi, một thứ gia vị không thể thiếu, và anh biết gì không, tôi cũng dần dần thích thú với nó rồi đấy", Maldini kể. "Điều mà tôi phải làm khi nhận trọng trách này chính là gây dựng một đội bóng hùng mạnh sẵn sàng quật ngã mọi đối thủ. Vô cùng kích thích".

Tuyển mộ Tonali là một trong những thành tựu của Maldini và ban lãnh đạo mới của Milan.

Một trong những thương vụ mà Maldini chốt là Sandro Tonali. Tiền vệ 20 tuổi đến từ Brescia này là một trong những cái tên sáng giá nhất Serie A và đã thỏa ước nguyện khoác áo đội bóng anh hâm mộ từ nhỏ. Vào chiều 9/9, Tonali gặp Maldini tại phòng họp lãnh đạo và đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn năm năm. Dựa vào phân tích tài chính của ủy ban chuyển nhượng, đội bóng đã lên một cấu trúc hợp lý cho hợp đồng: 10 triệu euro phí mượn, kèm điều khoản mua đứt với giá 15 triệu euro, cộng 10 triệu phí phụ trội tùy vào thành tích. Đó là bản hợp đồng giá "hời" cho Milan trước sự cạnh tranh khốc liệt từ gã hàng xóm Inter trong bối cảnh thị trường chuyển nhượng bị thách thức bởi Covid-19. Vụ chuyển nhượng chính là đánh dấu bước chuyển mình, là biểu tượng của một Milan mới. Vào hè năm ngoái, bản hợp đồng với hậu vệ Theo Hernandez trị giá 20 triệu cũng được đánh giá cao, phù hợp với những triết lý mà CLB đang vận hành.

Đích thân Maldini thân chinh bay đến chốt hợp đồng. Đó là một ngày mà chàng trai 22 tuổi, người có đủ tiềm năng vươn tầm thành hậu vệ trái hay nhất thế giới trong tương lai, không bao giờ quên được. Đến tuyển dụng anh chính là một huyền thoại từng chơi đúng vị trí của Theo.

"Một hôm, Paolo gọi tôi, bảo ông muốn nói chuyện đôi chút. Chúng tôi đã ở Ibiza và cuộc trò chuyện đi đến kết luận rằng ông ấy muốn ký hợp đồng với tôi. Cảm giác sung sướng và hạnh phúc tràn ngập cơ thể. Ông trao gửi niềm tin nơi tôi và thuyết phục tôi Milan chính là nhà, là gia đình. Tôi biết ông là một huyền thoại thật sự. Maldini đưa ra rất nhiều lời khuyên trong cuộc gặp mặt và đến tận bây giờ, ông ấy vẫn thường chỉ dẫn cho tôi về những điều cần cải thiện và làm thế nào để tôi hoàn thiện bản thân trong vai trò một hậu vệ trái. Được một huyền thoại như Maldini coi trọng là niềm vinh dự lớn lao cho tôi".

Với Gazidis, đây chính là minh chứng rõ ràng về cách tiếp cận hợp tác và phối hợp, đề cao tính tập thể mà ông dốc lòng gây dựng khi trở thành CEO của đội bóng. "Ngồi cạnh Paolo là Theo, điều đó cho thấy sức mạnh của việc tuyển trạch và những người mà ông ấy tin tưởng như Geoffrey Moncada, lợi ích từ đội phân tích đầy chất lượng. Hoặc những người am tường về thị trường Italy như giám đốc thể thao Ricky Massara. Sự giúp sức với 26 năm kinh nghiệm dày dặn không chỉ trong lĩnh vực bóng đá mà còn là tài chính. Điều đó định hình con đường chiến lược chúng tôi sẽ đi. Một khi mọi thứ đã đồng nhất, mọi người đồng lòng, đèn xanh được bật, sẽ không có ai phù hợp hơn Paolo trong viện thuyết phục các cầu thủ đến với Milan, và đây sẽ là nơi phù hợp để sự nghiệp của họ chắp cánh. Sức nặng từ cái tên Milan chưa hề mất đi, mà vẫn là thứ gì đó trường tồn với thế giới bóng đá".

Úy tín, sức hút của một huyền thoại tầm cỡ Maldini đang giúp ích rất nhiều cho Milan.

Hernandez chưa bao giờ nghi ngờ về điều đó. Anh chẳng nghĩ đến lần thứ hai khi nhận lời Maldini. "Đó là quyết định dễ dàng với tôi. Đội bóng này có thành tích tốt thứ hai tại đấu trường Champions League. Đó là Milan cơ mà! Tôi không mất thời gian nghĩ nhiều. Tôi thảo luận cùng gia đình và những người đại diện, nhưng khi tôi thấy được sự quan tâm, bản năng đã mách bảo đây là một nơi phù hợp để sự nghiệp của tôi lên nấc thang mới. Ngay cả cha tôi cũng vậy, khi tôi báo sẽ chuyển đến Milan, cha rất xúc động và tự hào vì ông có những kỷ niệm đẹp với đội bóng".

Đương nhiên, công tác chuyển nhượng của CLB không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Khi Elliott tiếp quản đội bóng hè 2018, thị trường chuyển nhượng đóng cửa ngày 17/5, và thời gian gấp rút khiến ban lãnh đạo không kịp trở tay để có đủ nguồn lực chuẩn bị cho mùa giải mới cận kề. Gazidis xuất hiện vào tháng 12, trong khi Leonardo trở lại PSG làm Giám đốc Thể thao vào hè 2019. Massara đến từ Roma, bên cạnh đó sự xuất hiện của tân Giám đốc Bóng đá Zvonimir Boban. Tuy nhiên, công việc không trôi chảy, và Milan phải chấm dứt hợp đồng với huyền thoại người Croatia vào tháng 3/2019.

"Thay đổi tư duy và các phương pháp không hề dễ dàng", Gazidis thừa nhận. "Điều đó yêu cầu tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi từ cả hai phía. Nó bao gồm cả những lần chệch hướng và sai lầm, nhưng sau cùng, khi nhìn lại kết quả, những điều tôi tuyên bố hồi 12/2018, một số đã trở thành sự thật. Milan đang sở hữu một trong những đội hình có tuổi đời trẻ nhất Serie A với một số tài năng đáng xem, dù có thể họ chưa phát huy hết khả năng. Nhưng tôi nghĩ các milanista đủ khả năng nhận thức được rằng dự án bóng đá của chúng tôi vẫn đi đúng hướng".

"Những câu chuyện về xích mích nội bộ là không tồn tại ở đây. Chỉ có duy nhất một nhiệm vụ, đó là giúp Milan ngày càng mạnh hơn. Milan nằm trên mọi lợi ích cá nhân. Không phải bàn cãi nhiều về việc đó. Tất cả sẽ được giải quyết tốt hơn, nếu có những tranh luận hợp lý. Khi chúng tôi bất đồng quan điểm, chúng tôi mang những kỹ năng riêng biệt và nhận thức khác nhau để đối chất, vì chúng tôi cũng có hàng tá những thách thức về tài chính đang đón chờ. Chúng tôi chấp nhận thách thức để phát triển một đội bóng mạnh".

Với ban lãnh đạo mới, bao gồm nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm Ivan Gazidis và một huyền thoại của CLB như Maldini, Milan đang cho thấy những tín hiệu khả quan trên con đường phục sinh.

"Kết quả như thế nào à? Nó sẽ rất thú vị đấy", Gazidis úp mở, kèm theo cái nheo mắt.

Kết quả mà vị CEO đề cập thú vị đến đâu thì còn phải chờ thêm thời gian, nhưng trước mắt, các milanista đang sung sướng với những gì đội bóng thể hiện. Milan đang bất bại mùa này. Tại Serie A, họ thắng năm, hòa một, chễm chệ trên đỉnh bảng. Ra Europa League, sau khi vượt qua vòng loại, Milan toàn thắng hai trận đầu, để dẫn đầu bảng H. Một chiến thắng nữa, khi tiếp Lille, ở lượt trận thứ ba hôm nay 5/11 sẽ giúp Milan đặt một chân vào vòng 1/16 - tạo đà cho những tham vọng bay cao hơn về sau.

Chấn Cương (theo The Athletic)