Sự cố cuối buổi lễ ngày 10/2 (giờ Hà Nội) gây bàn tán trên báo Âu Mỹ. Khi Parasite (Ký sinh trùng) thắng "Phim xuất sắc", Bong Joon-ho - người đã ba lần lên sân khấu (ở giải biên kịch, phim quốc tế và đạo diễn) - đứng sang bên, nhường lời cho những người đứng sau dự án. Sau phát biểu của nhà sản xuất Kwak Sin-ae, một phụ nữ tiến lên, đang bắt đầu nói thì đèn tắt, âm thanh micro bị giảm. Người trao giải - minh tinh Jane Fonda - tỏ ý không hài lòng, còn dàn sao hàng đầu - trong đó có Tom Hanks - hô vang để chương trình tiếp tục.
Người phụ nữ đó là Miky Lee - phó chủ tịch tập đoàn CJ - hãng phát hành và đầu tư phim. "Cảm ơn người xem Hàn Quốc đã ủng hộ những bộ phim của chúng tôi và không ngần ngại nêu ý kiến thẳng thắn. Điều đó khiến chúng tôi không tự mãn, luôn phải thúc đẩy các đạo diễn, những người sáng tạo để tiến lên. Không có các bạn, chúng tôi không thể ở đây", bà nói. Khác truyền thống ở Oscar, bà Lee dùng ngôn từ khá đơn giản, cũng không bàn vấn đề xã hội, chính trị hay quan điểm nghệ thuật.
Nhưng đó là một bài phát biểu đặc biệt, bởi hiếm ai cảm ơn khán giả nhiều đến thế khi nhận Oscar. Một ví dụ là năm ngoái, khi Green Book đạt giải cao nhất, đạo diễn Peter Farrelly chỉ cảm ơn cộng sự. Chia sẻ của Lee nhận nhiều tán thưởng trong khán phòng lẫn truyền thông. Tên tuổi bà tràn ngập báo Âu Mỹ sau sự kiện với các tên bài như: "Miky Lee là ai?".
Theo Fortune, Lee, tên thật Lee Mi-kyung, là nhà sản xuất có tầm ảnh hưởng, quyền lực bậc nhất Hàn Quốc. Bà là cháu gái của Lee Byung-chul - người sáng lập tập đoàn Samsung. Trước Parasite, công ty của bà từng đứng sau những dự án như Snowpiercer (đạo diễn Bong Joon-ho) và The Handmaiden (Cô hầu gái, đạo diễn Park Chan-wook). "Miky Lee dám chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào các phim mạo hiểm và sáng tạo nhiều thập kỷ qua", Jinsoo An - chuyên gia điện ảnh Hàn - cho biết. Hollywood Reporter nhận định nếu Lee không ủng hộ, Parasite có thể đã không ra đời.
Miky Lee (giữa) ở Oscar. Ảnh: EPA. |
Sinh năm 1958 ở Mỹ, bà Lee chuyển về Seoul cùng gia đình năm ba tuổi. Bà học ngành nhân học và ngôn ngữ ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật, trước khi tốt nghiệp đại học Harvard (Mỹ). Theo Washington Post, bà có ước mơ quảng bá văn hóa Hàn Quốc, do lúc ở Mỹ thấy nhiều người chưa hiểu chúng.
Trong các loại hình nghệ thuật, Miky Lee đặc biệt quan tâm phim ảnh. "Tôi từng mang theo nhiều đĩa DVD đến các hãng như Warner Bros., Universal, Fox. Với bất kỳ ai từng gặp, tôi đều giới thiệu phim Hàn Quốc. Ngày xưa, không ai nghĩ phim Hàn Quốc đủ hay để hợp tác cả", bà nói trên Hollywood Reporter. Bà yêu thích các phim Mad Max, Love Story, Death Wish, cùng một số nghệ sĩ châu Âu như Marcello Mastroianni, Sophia Loren, Catherine Deneuve và Alain Delon. Nhưng ở tập đoàn Samsung, bà Lee vốn làm trong nhánh CJ Group - chủ yếu kinh doanh thực phẩm.
Cuối năm 1994, khi những tên tuổi của Hollywood như Steven Spielberg, David Geffen và Jeffrey Katzenberg sắp mở một xưởng phim, Lee muốn Samsung đầu tư. Tuy nhiên, hai phía không thỏa thuận được hợp đồng. Một năm sau, bà cùng CJ - lúc đó sắp tách khỏi Samsung - đầu tư 300 triệu USD, giúp Dreamworks ra đời. Phía của bà Lee nắm quyền phát hành các phim của hãng này ở châu Á. "Có hai người mà nếu thiếu họ, Dreamworks không thể ra đời. Paul Allen (nhà đầu tư đầu tiên, với 500 triệu USD) và Miky Lee", Katzenberg nói.
Miky Lee trên Hollywood Reporter. |
Tập đoàn của bà Lee tham gia nhiều lĩnh vực như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc. Từ năm 1998, họ phát triển hệ thống rạp chiếu phim và cơ sở hạ tầng, góp phần giúp Hàn Quốc thành thị trường phim lớn thứ năm thế giới. Đến nay, công ty có giá trị 4,1 tỷ USD với nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trong ngành điện ảnh, chiến thuật của CJ là xây rạp, kinh doanh và gây quỹ hỗ trợ một số nhà làm phim Hàn Quốc tiềm năng như Bong, Park và Kim Jee-woon (nổi danh với A Tale of Two Sisters). Họ hướng đến các sản phẩm có thể thu hút khán giả đại chúng trong nước và giới nghệ thuật quốc tế.
Sự xuất hiện của Miky Lee ở Oscar tái khẳng định vị thế "người đỡ đầu" trong làng phim Hàn. Năm 2006, bà được Variety chọn là một trong những người điều hành sản xuất hàng đầu ngành điện ảnh. Bà là giám đốc sản xuất của 49 dự án, trong đó có nhiều phim nổi bật như The Host (2006), Mother (2009), Snowpiercer (2013, đều của Bong Joon Ho), The Handmaiden (2016).
"Phó chủ tịch Lee là fan cuồng nhiệt của phim ảnh, truyền hình và âm nhạc. Bà là tín đồ điện ảnh đích thực đã xem rất nhiều phim và mang niềm đam mê đó đến thế giới kinh doanh", Bong Joon Ho nói trên Hollywood Reporter. Parasite dường như tượng trưng cho triết lý làm giải trí của bà Lee - mang yếu tố địa phương nhưng hướng ra thế giới. "Tác phẩm không có dàn diễn viên đến từ nhiều nước. Nhưng nó nói về vấn đề ai cũng đối mặt. Chủ đề của nó mang tính toàn cầu - về sự cần thiết của lòng tôn trọng giữa con người với nhau", bà bày tỏ.
* Xem thêm: Hàn Quốc vỡ òa khi 'Parasite' thắng Oscar
Ân Nguyễn