Đến tuổi trưởng thành, tôi nuôi tóc dài để thỏa mãn sở thích của bản thân và bị những người sống cùng khu phố nghi ngờ "lệch chuẩn về giới tính".
Miệt thị ngoại hình là biểu hiện rõ ràng của sự phân biệt đối xử và định kiến xã hội dựa trên bề ngoài của con người. Song, vì nó quá phổ biến trong văn hóa giao tiếp, nên hiếm khi được nhìn nhận nghiêm túc. Hành vi này dễ được coi như câu đùa xã giao hơn là sự cố ý gây tổn hại cho người đối diện.
Chỉ đến khi Will Smith tát đồng nghiệp trên sân khấu Oscar vì dám đùa cợt ngoại hình vợ anh, nhiều người nhận ra ngoại hình của cá nhân xứng đáng được tôn trọng hơn. Nhưng bạo lực không thể là cách giải quyết vấn đề, không ai được phép "giáng đòn" với người khác mà không phải chịu trách nhiệm.
Tôi cũng chỉ biết đối đầu với lời đàm tiếu bằng cách thường xuyên mặc đồ kín đáo hoặc lấy ví dụ về việc bác tổ trưởng dân phố của mình cũng là người đàn ông cột tóc đuôi ngựa dài qua vai. Ngoài việc chờ đợi sự thay đổi nhận thức, tôi chưa thấy có cách nào triệt để xóa bỏ miệt thị ngoại hình. Khi phần lớn cộng đồng coi đây là điều bình thường, việc đứng lên và tát vào mặt một người khó có thể làm vấn đề biến mất.
Trong công trình khảo cứu về ý nghĩa văn hóa - xã hội của cơ thể người năm 2014, hai học giả Niall Richardson và Adam Locks chỉ ra rằng cơ thể là phần hiển lộ nhất của cá nhân trước xã hội. Vì thế cơ thể là tiêu chí dễ được sử dụng để đánh giá lẫn nhau. Ai cũng có thể từng là đối tượng của miệt thị ngoại hình hoặc từng có lúc miệt thị người khác.
Quan niệm "thế nào thì là một cơ thể người tiêu chuẩn?" đã luôn được nhào nặn và định hình qua suốt lịch sử. Xã hội cố gắng tìm ra một hình mẫu bình thường, trong tương quan với béo, gầy, cao, lùn... Những yếu tố như giới tính, chủng tộc, nhóm xã hội cũng được đem ra để đánh giá; ví dụ phụ nữ thường để tóc dài, đàn ông cắt ngắn và rẽ ngôi. Người mảnh mai trông thư sinh, trí thức còn người béo phì dễ bị cho là lười hoạt động...
Sự so sánh và quan niệm về một chuẩn tắc xác thịt duy nhất khiến con người bị xếp vào những khuôn mẫu xã hội cố định. Chúng lược bỏ đi tính đa dạng của cả cơ thể tự nhiên, cách bộc lộ bản thân của từng cá nhân, và các yếu tố liên quan đến bệnh lý hoặc tai nạn. Và nguy hiểm hơn cả, nhiều người cho rằng hình thể phía ngoài định nghĩa toàn bộ tính cách và phẩm chất của con người.
Vì lẽ này, bất cứ ai không có ngoại hình giống như người mẫu trên quảng cáo và diễn viên chính trong phim truyền hình dài tập đều có khả năng trở thành đối tượng của miệt thị ngoại hình. Thị hiếu cá nhân và thể trạng sức khỏe có thể dễ dàng bị gạch xóa và bị ghi đè bởi rất nhiều phán đoán và định kiến xã hội.
Hậu quả nhãn tiền nhất của miệt thị ngoại hình là, nó làm cho con người cảm thấy thứ cốt lõi nhất gắn liền với sự tồn tại của mình - cơ thể - không được xã hội công nhận. Điều này vừa dẫn đến sự đối xử cực đoan với cơ thể, vừa gây ra phản ứng bạo lực đối với người lên tiếng miệt thị.
Vòng luẩn quẩn điên cuồng tập gym, thắt eo, ăn kiêng, đội tóc giả, lảng tránh xã hội... có thể sẽ không dừng lại. Và một vòng luẩn quẩn khác cũng sẽ diễn ra: khi đã đủ tự tin với cơ thể mình, một người có thể sẽ sử dụng những ngôn từ có tính miệt thị lên những người không lựa chọn hoặc không có điều kiện thay đổi theo thị hiếu xã hội.
Ngoại hình bên ngoài không quy định tính cách và phẩm chất bên trong. Quan trọng hơn, ngoại hình không chỉ phản ánh ai đó thuộc về một cái chung của cộng đồng, mà còn đại diện cho cái riêng độc đáo mà chỉ cá nhân họ mới có. Tôn trọng ngoại hình cơ thể, vì thế, là tôn trọng quyền cá nhân, là tôn trọng bản thân sự tồn tại của nhau.
Với bình diện vấn đề phức tạp như trên, thật khó để nói có giải pháp "một đập ăn quan" làm miệt thị ngoại hình biến mất ngay lập tức. Nhưng có một điều tôi biết rõ ràng, là vấn đề sẽ mãi mãi ở đó khi một phía thờ ơ buông lời "có vấn đề cỏn con như vậy mà cũng làm quá lên", phía còn lại thì sẵn sàng đụng chân đụng tay với đối phương.
Vũ Hoàng Long