Sáng sớm 1/3/2016, ông Đỗ Đức Tài ở khu tự trị Nội Mông Cổ đến Cục Công an huyện Thương Đô trình báo về cái chết bất thường của con gái Đỗ Phương, 42 tuổi, làm nghề chăn cừu. Tháng 9/2015, để tiện cho việc thi vào trường cấp hai của con, ba mẹ con Phương đến ở nhờ nhà em trai là Đỗ Hâm.
Chiều 28/2/2016, ba mẹ con kết thúc kì nghỉ đông, đến nhà Hâm chuẩn bị vào học kì mới. Hôm đó, sau khi ăn cơm, Phương đau bụng và phải đi cấp cứu vào tối cùng ngày. 23h cùng ngày, Hâm gọi điện thoại cho bố báo tin dữ. Hai cha con mang xác Phương về nhà.
Sáng hôm sau, ông Tài đến nhà Hâm đón hai cháu gái, mang đồ ăn thừa cho chó ăn. Chưa đến một tiếng sau, con chó đột nhiên co giật rồi chết. Thấy tình hình khác thường, ông Tài mới đến cơ quan công an trình báo.
Bác sĩ tại bệnh viện huyện nói lúc được đưa đến, Phương đã hôn mê, sùi bọt mép, cả người co giật. Có bốn nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng này là viêm màng não virus, bệnh dại, uốn ván và trúng độc. Sau khi loại trừ ba khả năng trước, nhà chức trách cho rằng chỉ còn khả năng cuối cùng là chết vì trúng độc.
Hiện trường vụ án là ngôi nhà bốn gian của Hâm, không có dấu vết gì lạ. Đoán Phương rất có thể chết vì ngộ độc thực phẩm, cảnh sát tập trung khám nghiệm phòng bếp nhưng cũng không phát hiện có gì khác thường. Cảnh sát đưa mẫu thức ăn chưa tiêu hóa hết trong dạ dày người chết và con chó đi xét nghiệm, kết quả là cả hai mẫu đều có chất kịch độc. Chất độc này chủ yếu được dùng để sản xuất thuốc chuột, do độc tính quá mạnh nên mười mấy năm trước đã bị cấm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng.
Cảnh sát điều tra trong phạm vi toàn huyện, sau ba ngày vẫn không phát hiện cửa hàng nào bán loại thuốc này. Vậy chất độc khiến Phương mất mạng đến từ đâu? Cái chết của Phương có phải một vụ án hình sự hay không? Phương cùng hai con ăn cơm, tại sao chỉ có một mình cô trúng độc?
Theo tìm hiểu, đồ ăn thừa ông Tài cho chó ăn là thịt lợn xào mầm tỏi. Đồ ăn thừa đều đã cho chó ăn hết, cảnh sát buộc phải đưa toàn bộ các loại dầu mỡ và gia vị có trong nhà Hâm đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm từ Bắc Kinh gửi về cho thấy toàn bộ các mẫu kiểm nghiệm đều không có độc. Con gái lớn của Phương cho biết hôm đó chủ yếu ăn bánh mì, không ăn thịt vì sợ béo. Thịt chủ yếu do mẹ ăn. Em gái chỉ ăn mấy mầm tỏi mẹ bón cho, nhưng trước khi bón đều nhúng qua nước canh cho bớt mỡ.
Cảnh sát cho rằng rất có thể là thịt lợn có vấn đề, nhưng tất cả chỉ là suy luận, do không có mẫu vật để kiểm nghiệm. Vụ án rơi vào bế tắc. Đúng lúc này một cảnh sát đưa ra đề xuất, nhiều người ở đây có thói quen bỏ bì khi xào thịt lợn, vậy miếng thịt Phương dùng để xào rau có bì hay không?
Kĩ thuật viên lập tức quay lại hiện trường, mục đích khám nghiệm lần này là tìm bì lợn. Trong bếp không có phát hiện gì mới nhưng cảnh sát tìm được một mẩu bì lợn rất nhỏ trên thành chậu gần bể nước.
Vài ngày sau có kết quả xét nghiệm, trên mẩu bì lợn này có chất kịch độc cùng loại. Theo con gái Phương cho biết, miếng thịt lợn đó được mẹ lấy ra từ trong tủ lạnh nhà cậu. Nhưng ông tài và Hâm đều khẳng định gia đình Hâm không ai ăn thịt lợn, cũng không có ai mang thịt lợn về nhà. Vậy thịt lợn ở đâu ra? Chẳng lẽ có người lén bỏ vào tủ lạnh để đầu độc? Tất cả người từng ra vào hiện trường đều bị điều tra, bao gồm cả người nhà, nhưng kết quả điều tra khiến cảnh sát rất thất vọng, không có ai mang thịt lợn đến nhà Hâm.
Vụ việc đã trôi qua gần một tháng, một số cảnh sát đưa ra đề nghị: Đã không có người ngoài cố ý đầu độc, đây không phải một vụ án hình sự, có thể đóng lại hồ sơ vụ án. Tuy nhiên trưởng công an huyện tỏ rõ thái độ, bất kể tính chất vụ việc là gì, cảnh sát đều có trách nhiệm phải làm rõ, không được phép đóng hồ sơ mà không làm rõ được nguyên nhân.
Nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, cảnh sát phát hiện một chi tiết: Ông Tài nói khi gọi điện báo tin, Hâm nói với ông chị gái chết vì bệnh tim, hơn nữa còn nói đây là kết luận của bác sĩ. Cảnh sát lập tức đến bệnh viện Ulaanchab điều tra, bác sĩ khẳng định chưa từng nói bệnh nhân chết vì bệnh tim, vậy là Hâm đã nói dối. Nhưng tình cảm chị em giữa Hâm và Phương rất thân thiết. Sau khi chị gái chết, Hâm hết sức đau khổ, không thể có chuyện cố ý đầu độc chị.
Tiếp tục điều tra về Hâm, cảnh sát lại có phát hiện mới. Mùa đông năm 2014, một hàng xóm của Hâm mất một con cừu, trước đó con chó chăn cừu của người này đột nhiên bị chết. Mấy ngày đó, Hâm có hai người bạn đến chơi, người hàng xóm này biết một trong hai người đó tên là Ngô Bình Minh.
Làm việc với cảnh sát, Minh thừa nhận ba người đã lấy trộm cừu, chó chăn cừu là bọn họ dùng thuốc chuột đầu độc chết, thuốc chuột là Hâm cung cấp. Ngoài ra mùa đông năm 2015 ba người cũng dùng thủ đoạn tương tự bắt trộm bốn con cừu của một nhà khác. Sau đó chủ nhà chôn con chó chăn cừu ở một bãi cỏ.
Được gia đình đồng ý, cảnh sát đào mộ con chó đưa những thứ tìm được trong dạ dày đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong dạ dày chó cũng có chất kịch độc cùng loại đã hại chết Phương.
Trước bằng chứng của cảnh sát, Hâm thừa nhận cùng hai người bạn nhiều lần đầu độc chó chăn cừu để trộm cắp. Thuốc chuột được Hâm mua từ một người bán hàng rong. Tháng 2/2016, Hâm lại tẩm độc vào một miếng thịt lợn, chuẩn bị tiếp tục trộm cắp. Do chưa tìm được cơ hội, Hâm cất miếng thịt vào túi nilon cho vào tủ lạnh. Lúc này ba mẹ con Phương đã về nhà ăn tết. Đến khi nhận được điện thoại của cháu, Hâm mới nhớ ra chuyện này nhưng tất cả đã quá muộn.
Tháng 12/2016, tòa án huyện Thương Đô tuyên phạt Hâm 10 năm tù về các tội Trộm cắp và Vô ý làm chết người.
Khang Diệp (Theo CCTV)