Vị trí phát hiện cách miệng hố đầu tiên khoảng 30 km, nằm trên khu vực bán đảo Yamal, phía bắc Nga. Miệng hố thứ hai này có bề mặt rộng và lởm chởm, chiều rộng khoảng 15 m và có thể nhìn thấy tuyết ở bên trong.
Miệng hố được phát hiện trước đó có chiều rộng khoảng 50-80 m, xung quanh là những mảng đất tối màu. Theo Moscow Times, cả hai miệng hố có thể mới được hình thành trong vài năm trở lại đây và đều có hồ băng ở phần đáy.
Các chuyên gia cho rằng chúng được hình thành sau quá trình hoạt động địa chất có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Nơi đây vốn là khu vực giàu khí đốt tự nhiên, bị bao phủ dưới biển từ cách đây 10.000 năm trước. Quá trình ấm lên toàn cầu khiến băng tan chảy, giải phóng khí, khiến "hỗn hợp" nước, muối và khí phát nổ dưới lòng đất, hình thành miệng hố khổng lồ.
Khu vực tìm thấy miệng hố là một vùng lãnh nguyên hoang vắng, còn được gọi là "điểm kết thúc của thế giới". Nguyên nhân hình thành miệng hố trước đó được cho là có liên quan đến va chạm thiên thạch, vật thể bay không xác định hoặc do một vụ nổ khí gas.
Linh Anh (Video: Siberian Times)