"Công nghệ đang thay đổi và sẽ còn thay đổi nhiều ngành du lịch. Trước kia, khi bạn muốn biết thông tin điểm đến thì phải tìm ở sách, đại lý du lịch nhưng hiện nay các thông tin du lịch tự tìm đến chúng ta hàng ngày", ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định.
Theo kết quả khảo sát trong năm 2017 của Q&Me, một dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam, có đến 88% người Việt tra cứu thông tin du lịch qua mạng.
Khảo sát mới nhất về xu hướng du lịch toàn cầu năm 2018 do Visa thực hiện chỉ ra rằng người Việt có xu hướng đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều. 90% người được hỏi cho biết họ sử dụng các kênh trực tuyến nhằm tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch cho chuyến đi.
Điều đó cho thấy những ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ đến thị trường du lịch và cách mọi người đi du lịch trong kỷ nguyên 4.0.
"Du khách đang chuyển hóa"
Ông Marcus Yong, Giám đốc Marketing của Klook khu vực Đông Nam Á, chỉ ra 5 thay đổi cơ bản nhất của du khách hiện nay: Xu hướng đặt dịch vụ online nhiều hơn; Sử dụng và đọc nhiều nội dung trên Internet; Ưu tiên sự thuận tiện; Thích săn giảm giá; Thích tìm hiểu các trải nghiệm mới lạ, đa dạng. Đại diện của nền tảng hoạt động du lịch và dịch vụ lớn nhất châu Á gọi những xu hướng chung trên bằng thuật ngữ "Du khách đang chuyển hóa".
Khi công nghệ phát triển, du khách dễ dàng tiếp cận được nhiều thông tin hơn và chủ động trong việc lựa chọn điểm đến, lên lịch trình cho chuyến du lịch của mình.
Thay vì mua tour từ các công ty du lịch theo cách truyền thống, ngày càng nhiều bạn trẻ thích du lịch tự túc. "Mình hay đọc đánh giá, kinh nghiệm của các travel blogger rồi tìm thêm thông tin trên mạng, sau đó tự đặt vé máy bay, khách sạn và lên lịch trình cho chuyến đi", Hồng Anh, nữ nhân viên văn phòng vừa trở về sau chuyến du lịch tự túc Ấn Độ, chia sẻ. Theo Hồng Anh, nếu mua tour du lịch thì khách không phải lo về đi lại, ăn ở nhưng đi tự túc lại có những thú vui riêng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, du khách có thể ngồi một chỗ với chiếc máy tính có kết nối mạng để tự chuẩn bị cho mình một chuyến đi.
Du lịch khởi sắc nhờ công nghệ
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, kinh doanh vé máy bay, khách sạn, nhà nghỉ ở Việt Nam là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ nhờ các ứng dụng booking trực tuyến thuận tiện.
Ông Nguyễn Trung Công, CEO của hệ thống đặt phòng, vé trực tuyến iViVu, cho biết trong vài năm trở lại đây, họ luôn đạt mức tăng trưởng 2 - 3 lần nhờ áp dụng công nghệ để đọc hiểu khách hàng, mang đến những sản phẩm phù hợp nhất tùy theo thời điểm. "Công nghệ cũng giúp chúng tôi tiếp cận chính xác với khách hàng của mình, đây là bước rất quan trọng đối với các công ty trực tuyến", ông Công khẳng định.
Công nghệ đang là chìa khóa quan trọng giúp thay đổi trải nghiệm của khách hàng và mở ra cơ hội của các nhà đầu tư. Không dừng lại ở đó, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng thay đổi rất nhiều nhờ công nghệ.
Trước đây, ngành du lịch phải mất rất nhiều tiền bạc, thời gian để tổ chức các sự kiện xúc tiến, hội chợ du lịch, in ấn tờ rơi, ấn phẩm hoặc phải đến từng thị trường để giới thiệu các sản phẩm du lịch. Còn bây giờ, Internet giúp kết nối hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới.
Truyền hình ABC trực tiếp chương trình Good Morning America từ hang Sơn Đoòng đã đưa hang động này đến với hơn 60 triệu người trên khắp hành tinh chỉ sau hai giờ phát sóng. Những bộ phim bom tấn như Pan và vùng đất Neverland; Kong: Skull Island lấy bối cảnh ở Việt Nam cũng góp phần không nhỏ vào việc quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.
Không dừng lại ở đó, các giải pháp công nghệ còn được ứng dụng vào việc cấp visa điện tử, tạo điều kiện cho du khách có thể dễ dàng nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc thu hút du khách.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong 10 tháng của năm 2018, Việt Nam đã đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng khách quốc tế đặt và mua dịch vụ trên mạng cho chuyến du lịch đến Việt Nam chiếm 64%.
Miếng bánh ngon còn bỏ ngỏ
Báo cáo về nền kinh tế điện tử (e-economy) của khu vực Đông Nam Á do Google và Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) thực hiện năm 2016 chỉ ra rằng: Quy mô thị trường du lịch trực tuyến của khu vực Đông Nam Á được dự báo tăng gấp 4 lần, từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD năm 2025.
Cùng thời điểm này, một báo cáo khác của Euromonitor cho thấy, chỉ có 44% số đơn hàng của ngành du lịch được đặt online. Các nhà cung cấp vừa và nhỏ bị bỏ lại phía sau. Phân nửa trong số đó chỉ thu về khoảng 250.000 USD lợi nhuận hàng năm. Cách vận hành tự phát, thủ công vẫn còn chiếm số lượng lớn, hơn 80% các đơn hàng được đặt tại quầy. Du khách vẫn còn xếp hàng dài trước những trung tâm giải trí nổi tiếng như Universal Studios của Singapore hay Tokyo Disneyland ở Nhật Bản để mua vé vào cổng.
Ở Việt Nam, công nghệ là lĩnh vực được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Ngành du lịch cũng có nhiều bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ như: Visa điện tử, quảng bá du lịch bằng kỹ thuật số, công nghệ thực tế ảo, 3D, nhiều ứng dụng thông minh hỗ trợ du khách được đưa vào sử dụng. Đặc biệt lĩnh vực thanh toán điện tử trong vài năm qua cũng phát triển mạnh, tạo điều kiện cho du khách có thể dễ dàng đặt vé máy bay, thanh toán tiền phòng khi du lịch đến Việt Nam.
Tuy nhiên, những thay đổi này mới dừng lại ở mức thí điểm hoặc chỉ áp dụng ở những thành phố lớn. Trên phạm vi toàn quốc, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tạo được sự đồng bộ.
Theo kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 của công ty Grant Thornton Việt Nam, các kênh đặt phòng trực tuyến (OTAs) như Booking, Vntrip, Agoda hay iViVu... hiện chiếm 20,7% trong cơ cấu các kênh đặt phòng. Còn lại, hầu hết khách đặt tại chỗ hoặc qua đại lý.
Chưa kể phần lớn thị trường trực tuyến lại rơi vào tay các công ty nước ngoài. Ông Nguyễn Trung Công, CEO của iViVu, cho biết: "Từ thực tiễn kinh doanh, tôi nhận thấy người dùng Việt Nam rất nhạy bén với công nghệ tạo tiền đề thuận lợi cho việc phát triển du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, thị trường đã có quá nhiều những tập đoàn toàn cầu đang phục vụ khách hàng rất tốt. Những công ty trong nước buộc phải tìm ra hướng đi mới khác biệt so với truyền thống, kết hợp giữa việc hiểu sâu sắc thị trường nội địa và áp dụng công nghệ tiên tiến".
Thực tế, các dịch vụ du lịch trực tuyến ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu, thị trường chưa được định hình rõ ràng. Miếng bánh kinh doanh các dịch vụ trực tuyến vẫn còn bị bỏ ngỏ. Nếu biết cách tiếp cận và có một chiến lược dài hơi, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng với nhóm dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch luôn ở mức dương.
Xem thêm: Vì sao người trẻ thích đi du lịch nước ngoài tự túc.
Ứng dụng công nghệ cho phát triển và quản lý du lịch là một trong 9 nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum - ViEF). Sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tại Hà Nội.
Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.
Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net