Podul đổ bộ vào Quảng Bình lúc 1-3h sáng và hầu như không gây thiệt hại trên đất liền. Trừ huyện Quảng Ninh mưa to, lượng mưa ghi nhận từ 19h tối qua đến 5h sáng nay tại trạm Trường Xuân xấp xỉ 90 mm, các nơi khác mưa nhỏ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sau khi vào đất liền, bão đã nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đến 7h sáng nay thì thành vùng áp thấp và ở khu vực trung Lào.
Vùng tâm bão không bị thiệt hại, nhưng rìa phía bắc của cơn bão là Thanh Hóa, Nghệ An lại mưa to. Từ 4h đến 7h sáng nay, tổng lượng mưa ở hai tỉnh khoảng 50-70 mm, một số nơi cao hơn, như: Lý Nhân 185 mm, Yên Nhân 120 mm, Sao Vàng 100 mm, thủy điện Đồng Văn 90 mm, thủy điện Hủa Na 80 mm.
Tuyến tỉnh lộ 516B, quốc lộ 21B qua huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) nhiều đoạn bị ngập sâu 50-70 cm, giao thông ách tắc. Tại xã Thành Long, hơn 500 ha lúa, ngô, mía và diện tích ao nuôi trồng thủy sản chìm trong nước.
Mưa sau bão cũng gây ngập nhiều tuyến đường liên xã ở các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Yên Định, Quan Sơn (Thanh Hóa).
Cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam cảnh báo, trong sáng nay Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục mưa to, khoảng 40-70 mm, có nơi trên 100 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lởđất ở vùng núi và ngập lụt tại vùng trũng.
Mưa sau đó giảm nhanh, đến ngày 31/8 miền Trung có thể nắng. Tuy nhiên, vùng mưa sẽ dịch chuyển phía Bắc đến ngày 1-2/9 với trọng tâm là vùng núi, nhất là các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ. Hà Nội có mưa trong 2-3 ngày tới, có lúc mưa rất to.
Bão Podul hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines vào tối 26/8. Sáng 28/8, bão vào biển Đông, trở thành cơn bão thứ tư ở vùng biển này. 1-2h sáng 30/8, bão đổ bộ Quảng Bình.
Hoàn lưu trước bão đã gây giông lốc tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) làm 37 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng xuất hiện giông lốc làm tốc mái 41 nhà. Ngoài ra, mưa giông ở TP Hà Nội chiều 29/8 làm một người chết do cây đổ.
Hoàng Táo - Võ Hải