Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho hay, áp thấp nhiệt đới đang ở trên biển Đông có tốc độ di chuyển rất nhanh (trung bình 30-35 km một giờ) nên chỉ chiều và đêm 9/10 sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.
Do ảnh hưởng của áp thấp, từ trưa 9/10 các vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8.
Đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi từ trưa và chiều 9/10 có mưa to. Mưa sẽ lan tới các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, với tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi hơn 200mm.
Do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng xảy ra từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Nhiều thành phố lớn, khu đô thị dễ ngập úng như: Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), thị xã Ba Đồn, TP Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị), TP Huế (Thừa Thiên Huế).
Cũng do ảnh hưởng của mưa to, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ.
Miền Bắc đón không khí lạnh
Thời tiết miền Bắc đã chịu ảnh hưởng của mưa rào và giông suốt từ đầu tháng 10 đến nay. Những ngày đầu tuần tới, do ảnh hưởng của áp thấp, miền Bắc tiếp tục có mưa.
Sang đến ngày 11/10, miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh. Đợt không khí lạnh bổ sung diễn ra ngày 13/10, sẽ làm nhiệt độ tại miền Bắc giảm sâu. Cơ quan khí tượng cho hay, đây sẽ là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa.
Do ảnh hưởng liên tiếp của hai đợt không khí lạnh, các tỉnh miền Bắc trong những ngày cuối tuần tới trời chuyển lạnh về đêm và sáng, nhiệt độ ở vùng đồng bằng, Hà Nội vào buổi sáng dưới 23 độ, trời chuyển lạnh. Vùng núi nhiều nơi nhiệt độ sẽ xuống dưới 20 độ, trời chuyển rét.
Theo cơ quan khí tượng, từ tháng 10 đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực giữa và nam Biển Đông. Trong số đó có từ 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung Bộ, Nam Bộ. |
Xuân Hoa