Theo các tổ chức nghiên cứu, một trong những động lực quan trọng để kinh tế Việt Nam phát triển là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Không chỉ giúp cho kinh tế của địa phương - nơi có dự án đầu tư bứt phá, FDI còn tạo ra công ăn việc làm, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng.
Đại diện địa phương có dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD, ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhận định các dự án trong khu kinh tế Nghi Sơn đã góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh. "Khi dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án đầu tư lớn khác đi vào hoạt động sẽ thu hút lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hạ nguồn. Qua đó, tạo ngày càng nhiều việc làm", ông phát biểu. Dự kiến, lao động trong khu kinh tế Nghi Sơn lên tới 35.000 người trong năm 2014.
Các tỉnh miền Trung mỗi năm tổ chức hàng chục cuộc xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế. |
Với việc chiếm hơn một phần ba số khu kinh tế của cả nước (15/40 khu kinh tế các loại), cùng với Thanh Hóa, nhiều tỉnh miền Trung cũng ráo riết thu hút vốn trong và ngoài nước nhằm mục tiêu tạo cú bứt phá cho kinh tế địa phương. "Nhiều khu kinh tế tỷ lệ lấp đầy chưa cao, đây sẽ là dư địa để các tỉnh miền Trung thu hút nhà đầu tư", một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định.
Theo tình hình xúc tiến đầu tư năm 2013, miền Trung được đánh giá là khu vực tích cực hàng đầu khi tổ chức nhiều hội nghị lớn nhỏ cả ở địa phương và các thành phố lớn, thậm chí có tỉnh lãnh đạo còn tổ chức hội nghị ở nước ngoài hoặc công du quốc tế. Đơn cử, theo Ủy ban nhân dân Quảng Ngãi, năm nay Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh sẽ tổ chức 36 cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài. Riêng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất tổ chức 33 cuộc xúc tiến đầu tư, trong đó xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Italia…
Chia sẻ trong chuyến công tác ra Hà Nội gọi vốn đầu tư mới đây, Bí thư tỉnh Quảng Bình Lương Ngọc Bính nhận định trong suốt 10 năm làm xúc tiền đầu tư, năm 2014 lần đầu tiên tỉnh tổ chức một hội nghị quy mô lớn như thế này, trước là tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và sau là tổ chức lễ ký kết ở Quảng Bình.
Và trước các nhà đầu tư, mỗi tỉnh đều bày tỏ những điểm mạnh của "đội nhà". Là địa phương có khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo và khu kinh tế Hòn La, lãnh đạo Quảng Bình cho biết tỉnh có lợi thế khi nằm ở vị trí chiến lược trên hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, là cửa ngõ phía Đông thông ra biển của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Nơi đây cũng có đường bờ biển dài nhất Việt Nam, khu suối nước nóng, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và một "vương quốc hang động". Đặc biệt, vùng đất này còn là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển kinh tế và các loại hình du lịch đa dạng", lãnh đạo tỉnh này nói.
Giai đoạn 2014 - 2015, Quảng Bình kêu gọi đầu tư 40 dự án, tổng quy mô trên 4 tỷ USD. Bí thư tỉnh Lương Ngọc Bính cam kết: "Quảng Bình sẽ đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư từ khi bắt đầu đến khi hình thành sản phẩm. Nhà đầu tư sẽ được xem là thành viên của tỉnh, những người làm nên thành công của địa bàn", ông khẳng định. Và kết thúc hội nghị, tỉnh đã ký kết được các dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 550 triệu USD.
Tại Thanh Hóa, với hạt nhân là khu kinh tế Nghi Sơn và nhà máy lọc hóa dầu 9 tỷ USD, tỉnh đã tổ chức nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư lớn nhỏ để giới hiệu về các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, những tiềm năng, lợi thế của Nghi Sơn... Ngoài ra, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng quy chế thưởng tiền cho "môi giới" kéo được dự án vào Nghi Sơn, mức tối đa lên tới 500 triệu đồng.
Trong khi đó, Bình Định trở thành điểm nóng với viêc thu hút được dự án lọc hóa dầu gần 30 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan. Hiện dự án đang được lập báo cáo khả thi, nếu được cấp phép, đây sẽ là công trình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đến nay. Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Bình Định Man Ngọc Lý bày tỏ kết quả này có được sau khi lãnh đạo Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, thậm chí còn sang Thái Lan làm việc với nhà đầu tư.
Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài tính đến hết tháng 4/2014. Nguồn: FIA |
Bức tranh FDI của miền Trung cũng phải kể đến Hà Tĩnh khi năm qua, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc - hai quốc gia có lượng vốn và dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Hiện tỉnh này cũng đón nhận thông tin siêu dự án gang thép Formosa muốn tăng vốn lên 28,5 tỷ USD.
Kết quả của những cố gắng trên là năm 2013, lần đầu tiên khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung vươn lên thứ 2 trong số 6 vùng kinh tế về thu hút FDI, với tổng vốn cấp mới và tăng thêm trên 6,6 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư cả nước. Sang bốn tháng đầu năm nay, kết quả này vẫn tiếp tục được duy trì, đứng đầu là Hà Tĩnh (hơn 10,6 tỷ USD), Thanh Hóa (hơn 10,1 tỷ USD), Phú Yên (trên 8 tỷ USD)...
Trước vấn đề này, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo các khu kinh tế miền Trung khi tìm ra những hướng đi mới để mời gọi, chăm sóc nhà đầu tư. Song, việc các khu kinh tế hiện nay phát triển chưa đúng với tiềm năng cũng đòi hỏi lãnh đạo tỉnh, ban quản lý khu kinh tế có thêm những giải pháp để bảo vệ nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho những nhà đầu tư năng lực, song cũng phải sàng lọc kỹ lưỡng các dự án.
Phương Linh