Thông tin trên được ông Trần Duy An (Phó phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) đưa ra tại diễn đàn nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 29/11, ở Cần Thơ.
Bên cạnh đó, theo ông An, toàn vùng có 2.059 điểm sụt lún (tương đương 51 km chiều dài đê, đường nông thôn). Cà Mau là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 1.685 điểm sụp lún. Tốc độ sụt lún trung bình hàng năm toàn vùng trong giai đoạn này khoảng 1,07 cm mỗi năm.
Còn theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong số 13 tỉnh thành của vùng, Cà Mau là địa phương bị sạt lở nhiều nhất với 138 điểm, tiếp đến là Tiền Giang 83 điểm, An Giang 82 điểm... Trong tổng số khu vực sạt lở thì có 168 điểm đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 283 km (bờ sông 146 điểm, bờ biển 22 điểm); 209 điểm sạt lở cấp nguy hiểm với chiều dài 267 km.
Năm 2022-2023 khối lượng xói lòng dẫn sông Cửu Long hơn 21,8 triệu m3, trong khi khối lượng bồi chỉ hơn 4,9 triệu m3, tức bị mất hơn 16,8 triệu m3.
Giai đoạn 2020-2022, vùng có 198 km bờ biển bị sạt lở, diện tích mất đất 267 ha. Một năm sau, có gần 203 km bờ biển bị sạt lở, diện tích mất đất gần 191 ha. Từ năm 1991-2018, Cà Mau bị mất gần 10.000 ha đất do sạt lở bờ biển; kế đến là Kiên Giang gần 2.000 ha, thứ ba là Bến Tre với gần 1.500 ha...
"Bờ sông và bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường", ông Lê Thanh Chương, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nói, cho rằng cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau ngăn sạt lở. Trong đó, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp hàng đầu vì vừa thân thiện môi trường vừa tạo ra đa dạng sinh học cho khu vực ven biển; mang lại sinh kế cho người dân địa phương.
Đồng bằng sông Cửu Long nằm cuối lưu vực sông Mekong, có tổng diện tích 39.400 km2, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước, địa hình bằng phẳng, trũng thấp, dân số khoảng 18 triệu người. Vùng đóng góp trên 50% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Miền Tây cũng cung ứng 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và 75% sản lượng nuôi trồng cả nước.
Vùng đất này được đánh giá là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biến dâng, sạt lở, sụp lún...
An Bình