Ngay từ nhỏ, tác giả Trương Chí Hùng thắc mắc tại sao sử dụng hai từ khác nhau cho cùng một con vật như bánh lỗ tai heo và bánh da lợn. Khi lớn lên, anh hay rong ruổi khắp miền Tây, về tận nơi có tên lạ như sông Trẹm, Vàm Nao, Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, Xà Tón, Cà Mau, Miệt Thứ tìm hiểu gốc gác của những địa danh.
Sách gồm 35 câu chuyện, kể về nguồn gốc của 70 từ vựng thuộc các lĩnh vực như thiên nhiên, cây trái, địa danh ở miền Tây Nam Bộ. Tác giả định nghĩa ngắn gọn, đính kèm bài viết ngắn dưới dạng tản văn để chỉ ra ngữ cảnh của từ.
Tác giả nhận định miền Tây "lạ" với lời ăn tiếng nói dân dã, hình thành từ chất liệu địa phương. Từ "miệt" - chỉ nơi hẻo lánh, xa xôi - gắn liền với vùng Miệt Thứ ở Kiên Giang. Nhà văn miêu tả: "Miệt Thứ buồn như cái buồn của cô gái lấy chồng xa, cái buồn của anh nông dân nghèo chứng kiến người mình yêu bị đem gả bán". Từ "miệt" vì thế được dùng trong ca dao về nỗi lòng người con gái: "Đêm đêm ra đứng hàng ba/ Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn/ Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?". "Chất lạ" ở miền đồng bằng sông Cửu Long còn là cái tình, cái nghĩa thật thà, không toan tính. Tác giả kể một lần đi tìm hiểu nguồn gốc tên sông Trẹm, anh lạc vào rừng U Minh Hạ. Khi ấy, một gia đình cưu mang, đãi anh bữa cơm với trứng vịt và nước tương. Qua việc bóc tách các lớp nghĩa, nhà văn thể hiện nét đẹp văn hóa, tính cách của con người.
Dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm chung sống lâu đời tạo ra sự giao thoa văn hóa và ngôn ngữ. Như từ "chế", "tía" đến từ dân tộc Hoa, từ "mút chỉ cà tha" có nguồn gốc Khmer. Cà tha là cách đọc trại từ "katha" - loại bùa kết từ những sợi chỉ ngũ sắc rất dài của người Khmer. Vì thế, dân gian dùng từ này để miêu tả những điểm xa xôi, tận cùng về không gian. Cũng trong lần đi lạc ở rừng U Minh Hạ, tác giả gặp người dân địa phương nói thế này: "Mèn ơi, tội nghiệp dữ hông, đi chi mà mút chỉ cà tha vậy, thôi cưng dựng xe ở đó đi, rồi lên nhà rửa mặt, chị nấu cơm cho ăn rồi hẵng đi, chớ kiểu này lỡ lạc nữa thì đói chết". Lời ăn tiếng nói đơn sơ, dễ thương vì xuất phát từ tấm lòng. Còn trong ẩm thực, mắm "prahok" là cách viết chuẩn xác cho mắm bò hóc - một món ăn "bắt cơm" của người Khmer, "tung lò mò" là lạp xưởng bò của người Chăm.
Nhà văn làm rõ nghĩa của từ bằng câu chuyện bên lề. Cụ thể, khi giải thích "đìa" là chỗ trũng ở ngoài đồng có bờ cao để trữ nước, nuôi cá, anh viết bài Niềm vui tát đìa, kể quá trình con nít đi "bắt hôi" cá. Các tình huống hiện lên sống động, thể hiện rõ cách sử dụng của từ. Anh còn cập nhật cách dùng hiện đại, đôi khi bình luận độ phổ biến của từ vựng đó. Sau khi định nghĩ "điên điển" với các đặc điểm sinh học, anh nói thêm loài hoa này là loại rau thân thuộc của người miền Tây.
Theo nhà văn, từ ngữ quen thuộc gợi cảm giác hoài niệm về những điều đã qua. Khi tìm hiểu về bếp cà ràng, anh chợt nhớ tới người má đã mất cũng thích nấu ăn với loại bếp đất nung này. Tác giả cảm nhận sự ấm áp từ bếp lửa bập bùng và từ kỷ niệm đang trỗi dậy, trên chiếc ghe chông chênh của đôi vợ chồng và hai đứa con ở vùng Xẻo Rô.
Trương Chí Hùng, 35 tuổi, là giảng viên khoa Sư phạm, Đại học An Giang. Năm 2017, anh đoạt giải nhất cuộc thi Bút ký văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ bảy. Các tác phẩm đã phát hành là Một nửa nhà quê (2014), Trong sương thương má (2019), Man mác Vàm Nao (2019). Trên báo Cần Thơ, anh kể vì còn trẻ nên phải thâm nhập cuộc sống để tăng cường hiểu biết. Tác giả chỉ viết khi tìm hiểu đủ tư liệu và để cảm xúc dẫn dắt, đem lại sự thăng hoa cho tác phẩm.
Quỳnh Quyên