Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới (dự kiến 5/4). Người được giới thiệu kế nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). Đây là lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong hơn 2 năm qua, mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng "trách nhiệm cao cả trước Đảng, nhân dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước".
Như vậy, với việc Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và kiện toàn nhân sự trong tuần tới, Việt Nam sẽ có 4 lãnh đạo đảm nhiệm 4 chức danh chủ chốt là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội như nhiều nhiệm kỳ trước đây.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri hồi tháng 10/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cho biết việc ông được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước "không phải nhất thể hóa", mà là "tình huống" khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 77 tuổi; Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), cử nhân Ngữ văn; quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ông là Tổng bí thư khóa XI, XII, XIII; Thường trực Bộ Chính trị (8/1999 - 4/2001); Ủy viên Bộ Chính trị 6 nhiệm kỳ, từ khóa VIII đến XIII; Ủy viên Trung ương Đảng 7 nhiệm kỳ, từ khóa VII đến XIII; Chủ tịch nước từ tháng 10/2018; Chủ tịch Quốc hội hai khóa XI, XII; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đại biểu Quốc hội 4 khóa XI, XII, XIII, XIV...
Ông cũng từng giữ các chức vụ: Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành uỷ Hà Nội.