Hai ngày nay, miền Bắc nắng nóng do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng. Lúc 13h, cả năm trạm quan trắc của Hà Nội đều ghi nhận 35-36 độ C - ngưỡng nắng nóng. Đây là mức nhiệt trong lều khí tượng, có mái che, thực tế ngoài trời phải cao hơn 2-4 độ tùy khu vực.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo, ngày mai miền Bắc tiếp tục 35-36 độ, một số nơi trên 37 độ C - ngưỡng nắng nóng gay gắt. Tình trạng này kéo dài đến hết ngày 21/6, sau đó sẽ thu hẹp. Khoảng đêm 21/6, miền Bắc có mưa rào và giông.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo từ nay đến hết tháng 6, Hà Nội dao động 27-36 độ, riêng ngày 21/6 nóng 38 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) đầu tuần 18-25 độ, cuối tuần giảm 1-2 độ C.
Miền Trung nắng nóng từ đầu tháng 6 tới nay do ảnh hưởng của vùng thấp nóng và hiệu ứng gió phơn. Hôm nay dọc các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào đến Phú Yên nhiệt độ phổ biến 35-37, một số nơi trên 37 độ C như Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Dự báo tình trạng nắng nóng ở miền Trung kéo dài. Đến khoảng ngày 22-23/6, khi vùng thấp nóng suy giảm, nắng nóng mới có dấu hiệu kết thúc.
Nam Bộ và Tây Nguyên từ nay đến ngày 21/6 ngày nắng, chiều tối có mưa, nhiệt độ cao nhất ngày ở Tây Nguyên 30-33 độ, Nam Bộ 33-35 độ C. Nắng nóng cục bộ xuất hiện ở Đông Nam Bộ. Từ ngày 22/6 trở đi, gió mùa tây nam hoạt động mạnh trở lại, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có mưa nhiều hơn.
Dự báo xa của cơ quan khí tượng, năm nay nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Tháng 6 nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5 độ, riêng tháng 8-9 cao hơn 0,5-1 độ C. Không khí lạnh sẽ hoạt động sớm trong khoảng tháng 10/2022.
Trung Bộ tháng 6 và 11 nhiệt độ thấp hơn 0,5 độ so với trung bình nhiều năm, từ tháng 7 đến 10 cao hơn 0,5-1 độ C. Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 6 và 10 nhiệt độ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng 7-9 cao hơn 0,5-1 độ C.