Ngày 30/3, đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cao khoảng 1.600 m ghi nhận mức nhiệt thấp nhất cả nước với hơn 3 độ C. Các đỉnh núi khác như Đồng Văn (Hà Giang), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Sa Pa (Lào Cai) cũng rét buốt với nhiệt độ lần lượt là 7 và 9 độ C.
Tại đồng bằng, Chí Linh (Hải Dương) hơn 11 độ C. Thủ đô Hà Nội cũng chìm trong không khí lạnh, trạm đo tại Ba Vì ghi nhận 12 độ C, các trạm Láng, Hoài Đức, Hà Đông, Sơn Tây đều 13 độ C. Cao nhất ngày 18 độ C, tức trong ngưỡng rét đậm.
Ngoài ra, các huyện Yên Định, Sầm Sơn, Bái Thượng, Như Xuân, Tĩnh Gia của tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận nhiệt độ dưới 15 độ C. Các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh dao động 15-17 độ, trong khi Quảng Bình và TP Huế ấm hơn, khoảng 17-20 độ C.

Người Hà Nội đi làm trong mưa rét. Ảnh: Giang Huy
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ trong ngày và đêm nay. Nhiệt độ thấp nhất ở miền Bắc phổ biến 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C. Dự kiến nền nhiệt tăng không đáng kể vào ngày 31/3. Khu vực Thanh Hóa - Hà Tĩnh thấp nhất 14-17 độ C, còn Quảng Bình - TP Huế 17-19 độ C.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, sóng biển cao 1,5-2,5 m. Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, riêng vùng biển phía bắc có lúc cấp 7, sóng biển cao 3-5 m. Vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông và vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 5-6, sóng biển cao 2-3 m.
Trước đó ngày 19/3, đỉnh núi Tà Xùa (Yên Bái) cao hơn 2.600 m bất ngờ xuất hiện băng giá. Đây là lần đầu tiên nơi này có băng trong tháng 3. Dự báo từ nay đến nửa đầu tháng 4, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn trung bình nhiều năm, sau đó mới có xu hướng yếu dần.
Gia Chính