Cơ quan dự báo khí tượng cho biết, miền Bắc xuất hiện rãnh áp thấp, từ chiều tối nay sẽ hoạt động mạnh lên, kết hợp với hội tụ gió trên cao, gây mưa rào và giông. Lượng mưa phổ biến 30-70 mm trong 24 giờ, một số nơi mưa lớn hơn.
Dự báo rãnh áp thấp và hội tụ gió sẽ tồn tại nhiều ngày, trong đó từ nay đến ngày 8/9 miền Bắc mưa vừa (16-50 mm/24 giờ), một số nơi mưa to (50-100 mm/24 giờ). Đến ngày 9-11/9, mưa giảm dần và sẽ gia tăng trở lại từ ngày 12/9.
Mưa to thường tập trung vào đêm và sáng, tâm mưa là vùng núi và trung du. Vì vậy cả tuần tới hai khu vực này đối mặt nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Trong ngày, miền Bắc trời nắng gián đoạn, nền nhiệt dưới 33 độ C, giảm 3 độ so với hôm nay.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo nhiệt độ tuần tới ở Hà Nội dao động 26-32, riêng ngày 8/6 mưa nhiều, nhiệt độ cao nhất giảm còn 30. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai), nền nhiệt dao động 17-23 độ C.
Miền Trung hôm nay và ngày mai (7/9) duy trì nắng nóng từ Thanh Hóa trở vào đến Phú Yên với mức nhiệt cao nhất ngày 35-37 độ C. Từ ngày 9/9, khi rãnh áp thấp phía Bắc tác động, bắc miền Trung xuất hiện mưa giông.
Nhiệt độ vì thế giảm, nắng nóng chỉ còn cục bộ. TP Vinh (Nghệ An) ngày mai nóng 36 độ C, hôm sau giảm còn 32 và duy trì mức nhiệt này đến ngày 10/9. Cuối tuần, nhiệt độ tăng lên 34-35 - chạm ngưỡng nắng nóng.
Khu vực từ TP Đà Nẵng trở vào ít chịu tác động của rãnh áp thấp phía Bắc nên cả tuần tới trời nắng nóng, nhiệt độ dao động 25-36.
Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên mưa rào và giông vẫn xuất hiện vào chiều tối. Nền nhiệt cao nhất trong ngày ở Tây Nguyên khoảng 29-32 độ C, Nam Bộ 32-34 độ C.
Theo cơ quan dự báo khí tượng Việt Nam, từ nay đến hết năm 2020, biển Đông khả năng xuất hiện 7-9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tập trung ở Trung và Nam Bộ.
Nhiệt độ trung bình toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 0,5-1 độ C.