Nhiều ngày nay, Hà Nội cũng như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, hai tỉnh miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An có mưa giông diện rộng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết nguyên nhân là ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với đới gió đông nam ẩm. Hình thái này sẽ tiếp tục gây mưa ở đồng bằng Bắc Bộ từ hôm nay tới ngày 15/7.
Từ ngày 16/7 trở đi, gió đông nam suy yếu, miền Bắc giảm mưa và có thể xuất hiện nắng nóng trong các ngày 17-19/7. Nhiệt độ cao nhất từ 35 độ C trở lên.

Mây giông trên bầu trờ Hà Nội, ngày 11/7. Ảnh: Ngọc Thành
Trung Bộ từ đêm 14 đến ngày 15/7 sẽ mưa giông vào chiều tối, cục bộ một số nơi mưa to (51-100 mm/24 giờ). Từ ngày 16 đến 20/7, trời chuyển nắng nóng, một số nơi nắng nóng gay gắt, cao nhất ngày từ 37 độ C trở lên.
Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 11/7 đến nay xuất hiện mưa giông do chịu ảnh hưởng rìa phía Nam rãnh áp thấp qua Trung Trung Bộ và gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Từ 19h ngày 12/7 đến 7h ngày 13/7, một số nơi mưa rất to, như: Rạch Gòi (Hậu Giang) 150 mm; Vĩnh Hòa, Hưng Nam (Kiên Giang), Trường Xuân A (Cần Thơ) 120 mm; Huỳnh Hữu Nghĩa (Sóc Trăng) 100 mm.
Không chỉ trên đất liền, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật tăng hai cấp. Sóng đã tràn và gây sạt lở một số tuyến đê biển ở Cà Mau.
Dự báo hôm nay Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục mưa 30-50 mm, có nơi trên 90 mm. Từ ngày 14/7, mưa ở hai khu vực này giảm dần.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, nam biển Đông (gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) hôm nay tiếp tục có gió tây nam cấp 6-7, giật tăng hai cấp. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và phía đông của nam Biển Đông có gió mạnh cấp 5-6, sóng biển cao 2-4 m.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, mưa giông các ngày 10-12/7 làm 2 người mất tích, hơn 300 nhà hư hỏng, 10 tàu bị chìm. 40 m đê bao sông Măng Thít thuộc xã Chánh An, tỉnh Vĩnh Long, bị sạt lở.