Ngày đầu tiên chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia ghi nhận đỉnh núi Mẫu Sơn cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, nơi đón không khí lạnh đầu tiên và mạnh nhất miền Bắc rét 1 độ C.
Tiếp theo là các khu vực núi cao như Đồng Văn (Hà Giang) 5 độ, Trùng Khánh (Cao Bằng) 6 độ, Ngân Sơn (Bắc Kạn), Sa Pa (Lào Cai) 7 độ, Mộc Châu (Sơn La) 8 độ, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 9 độ C. Trời rét ngọt, không mưa.
Tại Hà Nội, bốn trạm đo Ba Vì, Láng, Hoài Đức, Hà Đông đều 11 độ, trạm Sơn Tây 13 độ C. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng, cao hơn mặt đất khoảng 2 m và có mái che, nhiệt độ thực tế ngoài trời thường chênh khoảng 2-3 độ C.
Các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng cùng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Yên Định, tỉnh Thanh Hóa sáng nay 12 độ C, thấp nhất miền Trung, Đà Nẵng 24 độ C. Khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa vừa, một số nơi mưa to hơn 100 mm trong 24 giờ. Từ ngày 18/12, mưa giảm dần.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo hôm nay Hà Nội 13-16 độ, sau đó tăng dần lên mức 16-21 độ C vào ngày 22/12 và tiếp tục giảm sâu do không khí lạnh tăng cường. Điểm cao trên 1.500 so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) hai ngày đầu tuần 10-18 độ, từ thứ tư xuống thấp nhất 3 độ về đêm, ban ngày 8 độ C.
Còn cơ quan khí tượng Việt Nam dự báo hôm nay nhiệt độ miền Bắc, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục xuống thấp nhất 11-14 độ C do nằm sâu trong khối không khí lạnh. Vùng núi cao xuống dưới 3 độ C, khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế 15-18 độ C.
Đợt rét đậm, rét hại (trung bình ngày 13-15 độ C trở xuống) sẽ kéo dài sau ngày 20/12 do không khí lạnh liên tục tăng cường.
Trong một tháng tới, không khí lạnh gia tăng về tần suất và cường độ, sang nửa đầu tháng 1/2024 vẫn có thể xuất hiện rét đậm, rét hại, nhưng không kéo dài.