Ngày 25/12, bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết bệnh nhân khám và nhập viện do bệnh hô hấp tăng đột biến vài ngày nay, nhiều ca tiên lượng nặng. 56 bệnh nhân đang điều trị tại khoa, trong khi chỉ có 51 giường cố định.
"Lượng bệnh nhân tăng gấp rưỡi ngày thường", bác sĩ nói.
Vài ngày trước, bệnh nhân nam, 96 tuổi, chỉ ho nhẹ, khi nhập viện bị khó thở, nôn sặc vào phổi, phải can thiệp thở máy. Do tuổi cao, viêm phổi nặng, người bệnh không qua khỏi. Theo bác sĩ Ánh, triệu chứng mắc bệnh của người già thường không điển hình nhưng khi chuyển biến nặng rất nhanh.
Hay người đàn ông 87 tuổi, nghiện thuốc lá, tiền sử tắc nghẽn phổi mạn tính, nhập viện do mệt mỏi, sốt cao, không ăn uống được. Bệnh nhân đang theo dõi tích cực, thở máy, tiên lượng nặng.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, cũng cho biết khoảng hai tuần nay, số ca đến khám và nhập viện do cúm có dấu hiệu tăng lên, song chưa có bệnh nhân nguy kịch. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh dễ có diễn tiến nặng, biến chứng nguy hiểm.
Số ca nhập viện do đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối, tim mạch... tại một số bệnh viện Hà Nội tăng 10-15% so với tháng trước, trong đó nhiều bệnh nhân trẻ tuổi.
Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, ngày thường tiếp nhận 30-50 bệnh nhân, song một tuần trở lại đây lên tới 60-70 ca mỗi ngày. 12 y bác sĩ một ca trực quay cuồng với khối lượng công việc tăng đột biến. Ngoài người lớn tuổi, bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên khiến toàn bệnh viện quá tải.
Bệnh viện E ghi nhận lượng bệnh nhân tăng tương tự. Đặc biệt, bệnh nhân đột quỵ não ngày càng trẻ, nhiều người chủ quan. Như bệnh nhân nam 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm đột ngột bị yếu nửa người trái, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc do đột quỵ não, hôm 19/12.
Số bệnh nhân nhập viện cũng tăng ở một số bệnh viện tỉnh, trong đó nhiều ca bệnh trẻ. Khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, mỗi tháng tiếp nhận 10-15 bệnh nhân viêm phổi. Riêng trong tháng 11 và đầu tháng 12, ca bệnh có xu hướng tăng cả về số lượng và mức độ.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, ca bệnh đột quỵ do tai biến mạch máu não cấp cứu tại bệnh viện tăng đột biến với 15 ca trong 3 ngày thời tiết chuyển lạnh sâu. Phòng khám Nhi ghi nhận số trẻ đến khám các bệnh lý về hô hấp như cúm mùa, viêm mũi họng cấp, viêm phế quản cấp, viêm phổi tăng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, ghi nhận tình trạng tương tự gia tăng tại khoa. Đa số trẻ có biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi do cúm mùa, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhập viện tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó thời tiết lạnh làm trầm trọng hơn các bệnh về hô hấp, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ. Ngoài ra, trời lạnh kéo dài khiến sức chịu đựng con người kém, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển. Chưa kể, thời tiết lạnh khiến nhiều bệnh nhân lười đi khám và chủ quan khi bị ốm, trì hoãn nhập viện nên tiên lượng nặng nề.
Nhóm nguy cơ cao là trẻ dưới hai tuổi, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh hô hấp mạn tính, thận, tiểu đường, tim, tiểu đường, mang thai ba tháng cuối. Nhóm người suy giảm miễn dịch cũng dễ bị virus, vi khuẩn tấn công khi nhiệt độ giảm đột ngột, như tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, các bệnh lý cơ xương khớp...
Một số tỉnh, thành miền Bắc rét dưới 10 độ, vùng núi cao quanh ngưỡng 3 độ C là Pha Đin (Điện Biên), Sa Pa (Lào Cai), Tiên Yên (Quảng Ninh), Mộc Châu (Sơn La), Đồng Văn (Hà Giang)... khiến nhiều người già, trẻ nhỏ mắc bệnh.
Những ngày cuối tháng 12, không khí lạnh được dự báo tiếp tục hoạt động, rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sang tháng 1/2024, không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn, số ngày rét đậm, rét hại thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Bác sĩ Hoàng Thanh Hoa - Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, khuyến cáo mọi người lưu ý một số dấu hiệu bệnh chuyển nặng ở trẻ như sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám. Vệ sinh mũi họng hàng ngày, bổ sung dinh dưỡng, ăn đồ ăn ấm nóng, tránh đồ nguội lạnh... để hạn chế mắc bệnh.
Thời tiết lạnh, người cao tuổi theo dõi sức khỏe thường xuyên, uống thuốc đúng chỉ định, tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích... Người cao tuổi nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, thư giãn tinh thần ở trong nhà, nơi có mái che, hoặc nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm... Khi tập, căn cứ theo sức chịu đựng, không tập gắng sức.
Mọi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Không tự ý mua thuốc hay dùng thuốc tại nhà. Sử dụng khẩu trang khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine như cúm, phế cầu, Covid-19 để phòng tránh cơ thể nhiễm bệnh và trở nặng.
Thùy An