Hôm nay, một số đỉnh núi cao trên 1.000 m xuất hiện băng giá. Đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) dưới 0 độ, Hà Nội cả ngày dao động 8-9 độ C, trời mưa.
Nguyên nhân rét đậm, rét hại và mưa là miền Bắc nằm trong vùng ảnh hưởng của khối không khí lạnh mạnh và hội tụ gió trên độ cao 5.000 m di chuyển từ Thượng Lào sang.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, mưa chỉ tập trung trong đêm và rạng sáng mai ở miền Bắc. Tuy nhiên, không khí lạnh tiếp tục tăng cường khiến nền nhiệt thấp. Băng giá, mưa tuyết có thể xảy ra ở vùng núi cao.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, Hà Nội ngày mai 9-11 độ, đôi lúc trời nắng sau đó nhích dần mỗi ngày 2-5 độ, đến cuối tuần cao nhất 21 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa ngày mai 1-4 độ, thứ ba 0-2 độ C.
Các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi trong đêm nay và ngày mai vẫn có mưa giông, nhiệt độ khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh duy trì mức thấp, đêm nay phổ biến 8-10 độ, ngày mai 11-14 độ C.
Khu vực từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên Huế ban đêm 12-14 độ, ngày 15-17 độ C. Từ ngày 23/2 trở đi, miền Trung giảm mưa, nhiệt độ nhích dần lên.
Nam Bộ và Tây Nguyên trong tuần tới phổ biến ít mưa, trời nắng, nhiệt độ cao nhất trong ngày ở Tây Nguyên 28-31 độ, Nam Bộ 33-34 độ C.
Từ tháng 12/2021 đến nửa đầu tháng 2, Việt Nam chịu ảnh hưởng của chín đợt không khí lạnh. Trong đó có hai đợt mạnh vào cuối tháng 12/2021 và đợt 29/1-8/2/2022, gây rét đậm, rét hại cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 1, Sa Pa 4, Fansipan (Lào Cai) -2 độ C.
Dự báo tháng 3-4, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; riêng tháng 3 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thấp hơn 0,5-1 độ C.
Tháng 12, 1 và tháng 2 là ba tháng chính Đông ở miền Bắc. Theo số liệu trung bình nhiều năm của cơ quan khí tượng, tháng 1 luôn rét nhất, tháng 2 nhiệt độ có xu hướng cao hơn tháng 1, như tại Hà Nội phổ biến khoảng 17 độ C. Mùa đông 2021-2022, tháng 2 lại rét nhất, đây là hiện tượng ít thấy.