Từ nay đến 30 Tết, thời tiết rất thuận lợi để người dân miền Bắc sắm Tết, do không khí lạnh bắt đầu suy yếu từ hôm qua. Trời không còn mưa, nắng ấm xuất hiện, nhiệt độ tăng lên 2-3 độ C, nhưng vẫn ở ngưỡng rét đậm (trung bình ngày dưới 15 độ C). Ở một số nơi như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sapa (Lào Cai) băng giá đã tan.
Tuy nhiên, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, kiểu thời tiết đẹp như hiện nay sẽ chỉ duy trì trong hai ngày nữa. Đến ngày 6/2, tức 30 Tết, miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, sau đó còn được bổ sung. Do vậy, từ 30 đến mùng 6 Tết, người dân khu vực này tiếp tục chịu đựng rét đậm, trong đó có nhiều ngày rét hại, nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C.
![]() |
Sắm Tết trong giá rét. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một chuyên gia khí tượng cho biết, không khí lạnh không tràn đến từ sáng mà phải chiều 30 Tết mới đến Đông Bắc Bộ, đêm 30 thì xâm chiếm Tây Bắc Bộ. Vì thế, nhiều khả người dân Hà Nội cũng như các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đón giao thừa trong tiết trời rét buốt, mưa nhỏ, nhiệt độ giảm khoảng 3-4 độ C. Tại Hà Nội đêm giao thừa chỉ 8-10 độ C. Các tỉnh cửa ngõ đón gió đông bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh nhiệt độ còn giảm nữa.
Từ mùng 1 Tết trở đi, do không khí lạnh được bổ sung nên miền Bắc sẽ phải chịu đựng rét đậm, rét hại. Nhưng rất may là trời chỉ mưa nhỏ về đêm và sáng sớm, còn ban ngày khô ráo nên người dân vẫn có thể đón Tết vui vẻ. Về khả năng có tuyết ở vùng núi cao, ông Lưu Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai cho rằng "rất có thể". Ông Hải so sánh rét tháng 2 năm nay giống với năm 1968. Năm đó, Sapa có tới 3 lần tuyết rơi.
Các tỉnh miền Trung thời tiết có sự khác biệt rõ rệt giữa bắc và nam đèo Hải Vân. Ở phía bắc (từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế), từ 30 đến mùng 6 Tết, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh nên phía bắc trời rét đậm, có mưa. Phía nam đèo Hải Vân (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), trời nắng, nhiệt độ thấp nhất tại Đà Nẵng 18-21 độ C.
Tại TP HCM, người dân đón giao thừa với không khí dịu mát, nhiệt độ về đêm dao động 19-21 độ C. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phía Nam sẽ có mưa nhỏ từ mùng 1 đến mùng 5 Tết và triều cường, theo dự báo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ.
Ông Nguyễn Minh Giám, Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, ngày 28 đến chiều 30 Tết, khu vực phía Nam vẫn còn nắng, nóng, nhiệt độ có nơi lên tới 35 độ C. Sáng sớm mùng 1 Tết, TP HCM có thể âm u do trời nhiều mây.
"Thời tiết sẽ mát hơn từ đêm giao thừa, do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp nhiễu động tại phía Nam, gây mưa trái mùa. Những cơn mưa rải rác và không lớn, khá lý tưởng để du xuân", ông Giám nói.
Theo ông Giám, người dân nên mang theo áo đi mưa, vì những cơn mưa sẽ đổ xuống bất ngờ. Sau mồng 5 Tết, khu vực Nam Bộ nắng nóng trở lại.
Đài Khí tượng thủy Văn Nam Bộ cũng dự báo, năm nay, nhiều khả năng TP HCM đón xuân với triều cường. Mực nước tại trạm Phú An sông Sài Gòn liên tục lên trong những ngày tới. Mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn cũng lên theo triều.
Ngày mùng 1 tết triều đạt mức 1,31 m và chạm ngưỡng 1,34 m vào ngày hôm sau. Mặc dù không cao so với những đợt triều lịch sử 1,49 m trước đây, nhưng khả năng gây ngập lụt tại TP HCM trong đợt thủy triều đầu năm vẫn rất lớn.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP HCM khẩn cấp đề nghị các quận, huyện, đơn vị liên quan, nhất là ngoại thành gần khu vực đê bao xung yếu dễ vỡ, tăng cường theo dõi diễn biến triều để có biện pháp phòng tránh, giúp người dân an tâm vui tết.
"Người dân thành phố chắc hẳn chưa quên được cảnh tượng đón giáng sinh với triều cường 1,36 m cách đây không lâu, nên việc phòng chống phải làm chặt chẽ ngay từ hôm nay", đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố khuyến cáo.
Khánh - Hương - Cường