Miền Bắc sáng nay mưa nhỏ, mưa phùn, trưa hửng nắng do không khí lạnh suy yếu. Nền nhiệt Hà Nội lúc 12h là 24 độ, điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) 16 độ C.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, kiểu thời tiết trên sẽ duy trì ở miền Bắc đến hết ngày mai. Từ đêm mai, không khí lạnh mạnh tràn xuống, gây mưa giông, cục bộ có nơi mưa to (50-100 mm trong 24 giờ).
Do không khí lạnh tràn xuống khi nền nhiệt độ miền Bắc đang cao nên sẽ gây ra sự xung đột mạnh, có nguy cơ hình thành các hình thái thời tiết bất thường như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 1/4, vịnh Bắc Bộ, bắc Biển Đông, ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật tăng hai cấp, biển động mạnh, sóng biển cao 2-6 m.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, ngày mai Hà Nội 19-28 độ, đến thứ sáu khi không khí lạnh tràn xuống giảm còn 16-20 và thứ bảy giảm tiếp còn 13-18 độ C. Điểm cao Sa Pa thứ bảy rét 6-11 độ C. Ba ngày sau, nhiệt độ ban ngày tăng mạnh lên 24-28 độ, ban đêm duy trì 14-19 độ C.
Không khí lạnh sẽ tràn đến cả Trung Trung Bộ, kết hợp với rãnh áp thấp có trục 10-12 độ vĩ Bắc gây mưa cho miền Trung và Tây Nguyên từ chiều nay đến 2/4. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa 200-350 mm, có nơi hơn 400 mm.
Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yến, Khánh Hòa mưa 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Nguyên mưa 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Do mưa to, từ ngày 31/3 đến 2/4, các sông từ Quảng Bình đến Bình Định có khả năng xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 1, riêng các sông ở Quảng Ngãi lên báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định và Tây Nguyên.