![]() |
Nhiều cánh đồng miền Bắc khô nứt nẻ. Ảnh: A.T. |
Ông Chu Phú Mỹ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay, sông Hồng cạn, có lúc xuống tới 1,47 m, nên hầu như không có nước dẫn về các sông Nhuệ, Đáy, Tích. Các trạm bơm dù túc trực sẵn sàng để chuẩn bị lấy nước gieo cấy từ hôm nay, nhưng không hoạt động được.
"Chúng tôi đã lắp 93 trạm bơm dã chiến, huy động nhân viên trực ban đêm để bằng mọi giá lấy nước về đồng. Nhưng kết quả thế nào thì còn trông chờ nguồn nước thủy điện từ hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang", ông Mỹ nói. Hà Tây dự kiến gieo cấy 78.000 ha, nhưng đến nay mới có nước cho 5.000 ha.
Tương tự Hà Tây, Bắc Ninh cũng đang đau đầu vì nước. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chung cho biết, toàn bộ 39.000 ha lúa đông xuân của tỉnh đều phụ thuộc vào nguồn nước thủy lợi, không có nước tự chảy. Trong khi đó, hệ thống công trình thủy lợi đã quá già cỗi. Mực nước hiện nay đều thấp hơn so với cao trình thiết kế của trạm bơm khoảng 1 km. Do đó các trạm hoặc là bó tay, nếu "cố đấm ăn xôi" thì máy móc cũng hỏng.
Ông Chung đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng lưu lượng xả hồ thủy điện hoặc kéo dài thời gian xả trong giai đoạn làm đất, đảm bảo mực nước sông Hồng tại Hà Nội phải từ 2,5 m trở lên. "Duy trì 2,3 m như thỏa thuận của ngành điện và Cục Thủy lợi vẫn rất khó cho việc lấy nước của tỉnh", ông Chung nói.
Phó giám đốc Trung tâm điều độ quốc gia Ngô Sơn Hải giãi bày những khó khăn của ngành điện. Từ tháng 9/2006 đến nay, lưu lượng nước về hồ thủy điện đều thấp hơn cùng kỳ năm 2006. Cụ thể, hồ Hòa Bình thấp hơn gần 1 m, hồ Thác Bà thấp hơn 1,7 m. Trong khi đó, nhu cầu dùng điện năm 2007 tăng cao, một số nguồn điện mới có thể bị chậm tiến độ, dẫn đến hệ thống điện có khả năng không đáp ứng đủ trong giai đoạn cuối mùa khô (tháng 5-6).
Ông Hải cho biết, ngành điện sẽ xả đại trà từ ngày 20/1 đến 25/2, tập trung vào 3 đợt. Đợt một từ 14 đến 23/1. Đợt hai từ 27/1 đến 5/2. Đợt ba từ 11/2 đến 19/2. Tổng lưu lượng nước xả từ hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang là 1.200 m3/s, với lượng nước khoảng 2,6 tỷ mét khối. Ông Hải đề nghị các địa phương phải tận dụng tối đa nguồn nước, tăng cường bơm nước vào ban đêm vì thời gian này giá điện chỉ bằng 1/4 so với ban ngày.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Bộ bảo, địa phương không nghe
Tại hội nghị bàn giải pháp chống hạn hôm nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật đề nghị các địa phương xem xét phần diện tích không đủ nước gieo cấy thì chuyển sang trồng màu. Nếu cố lấy nước sẽ đẩy chi phí thủy lợi lên cao, trồng lúa không còn hiệu quả. Thực tế, một số tỉnh như Bắc Ninh vẫn còn nợ ngành điện 20 tỷ đồng tiền bơm nước chống hạn.
Tuy nhiên, đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh đều cho rằng rất khó chuyển đổi cơ cấu. "Năm 2004, chúng tôi chuyển từ lúa sang màu đã bị thất bại. Bà con không quen trồng màu trên nền đất ruộng. Họ luôn giữ tâm lý có bồ thóc trong nhà mới yên tâm", Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, ông Bùi Xuân Bài, phản ánh.
Ngay như Bắc Ninh, mặc dù thừa nhận nguồn nước không đủ gieo cấy, nhưng Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chung cho biết, tỉnh chỉ đạo không chuyển đổi, bằng mọi giá lấy nước gieo cấy. 4 năm nay, tỉnh này luôn có hơn 7.000 ha lúa gặp khó khăn về nước.
Trước sự "bảo thủ" của địa phương, Cục trưởng Trồng trọt Phan Huy Thông thẳng thắn: "Khó chuyển đổi cũng phải làm. Lãnh đạo tỉnh phải có quy hoạch, có chính sách hỗ trợ bà con chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn, có hiệu quả cao. Nếu để tự phát chuyển thì thất bại là không tránh khỏi". Ông Thống tính toán, trồng một ha lúa mất 6.000-7.000 m3 nước, trong khi chi phí sản xuất ở vùng hạn sẽ bị đội cao do phải bắc nhiều cầu bơm nước.
2007 là năm thứ tư miền Bắc liên tiếp gặp khó khăn về nước tưới trong vụ đông xuân. Các năm sau, tình hình thiếu nước thường căng thẳng hơn năm trước.
Hồng Khánh