Một năm kể từ khi Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer phát đi một thông điệp tới tất cả nhân viên của mình, trong đó ghi nhận mối đe dọa từ mã nguồn mở đang lan dần, Microsoft vẫn tỏ ra khá tự tin với suy nghĩ rằng Linux không phải là một đối thủ cạnh tranh đáng kinh sợ trên sân chơi desktop hiện nay. Tuy nhiên, dù sự thực có là thế nào thì doanh nghiệp của ngài Bill Gates vẫn đang liên tục phải giảm giá và ngày càng có nhiều khách hàng lôi cái tên Linux ra khi thương lượng mua bán với Microsoft.
“Chiến thuật này của các doanh nghiệp sẽ không thành công nếu chúng tôi xây dựng được các mối quan hệ dựa trên giá trị với khách hàng, nhờ đó họ sẽ ý thức hết được những ích lợi bổ sung mà chúng tôi đem lại”, Barley phát biểu tại một hội nghị của Microsoft ở London. Sự kiện bàn về Windows và Linux này nằm trong loạt hội thảo có tên “Seminar 20:20”, được coi là một cuộc thảo luận “rất trung thực và cởi mở”, trong đó có những phát biểu đáng chú ý của nhiều quan chức Microsoft và các chuyên gia độc lập.
Theo Philip Dawson, Giám đốc hãng Meta, Linux đang đặt ra không chỉ một mối đe dọa lớn đối với Microsoft mà đối với cả Unix. Ông này chỉ ra rằng: đơn giản là mọi doanh nghiệp đều rất nhạy cảm trong việc tận dụng các cơ hội gây áp lực trong thương lượng làm ăn, đặc biệt là khi trong tay họ có vài sự lựa chọn nhà cung cấp khác nhau. Và tất nhiên, dù việc doanh nghiệp có thực sự đang nghĩ nghiêm túc đến Linux hay không cũng vẫn làm cho hãng phần mềm thương mại cảm thấy phải nhượng bộ. “Hoàn toàn đúng khi nói rằng Linux là một công cụ để gây áp lực đối với Microsoft”, Dawson nói.
Microsoft cố gắng dùng hội nghị “Seminar 20:20” để xua đi những “huyền thoại” xung quanh Linux. Lập luận chủ đạo trong quan điểm của họ là phần mềm mã mở không rẻ hơn nếu xét về lâu dài bởi vì các công ty phải chi nhiều hơn vào việc tái đào tạo đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin, những người bấy lâu đã quá quen với nền Windows. “Chúng tôi đã hỏi gần 300 đại diện doanh nghiệp tham gia hội nghị rằng có ai trong số họ thực sự tin rằng Linux là miễn phí hay không thì chả thấy có cánh tay nào giơ lên”, Nicholas McGrath, Giám đốc chiến lược nền của Microsoft cho biết. Ông này dẫn chứng ra một loạt những thắng lợi trong việc thu hút khách hàng của Microsoft gần đây, trong đó có việc chính quyền quận Newham ở London quyết định đi theo Windows thay vì mã mở. McGrath khẳng định Newham thừa hiểu họ hoàn toàn có khả năng tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất làm việc hai lần so với dùng Linux.
Trong khi đó, bình luận về vụ Newham, giới quan sát cho rằng đó là một ví dụ tiêu biểu về chính sách giảm giá của Microsoft nhằm đối phó với “Chim cánh cụt”. Năm ngoái, một công ty tư vấn có tên Netproject đã mời chào Newham một giải pháp mã mở và điều này đã buộc hãng sở hữu Windows phải đưa ra một “chiêu khuyến mãi” cực kỳ hấp dẫn.
Phát biểu hồi tháng Giêng sau khi quận Newham quyết định dùng Windows, Giám đốc Netproject là Eddie Bleasdale tuyên bố: “Mỗi khi chúng tôi giới thiệu một giải pháp mã mở cho khách hàng của Microsoft, họ ngay lập tức nhận được một món hời bất ngờ về giá cả từ phía hãng phần mềm này”. Ông này cho rằng phản ứng của Microsoft đối với việc chọn lựa của quận Newham càng chứng minh rằng kiến trúc mã mở trên máy để bàn thực sự đáng tin cậy và hợp lý.
Paul Hartigan, Giám đốc công ty PharmiWeb Solutions, đến dự hội nghị “Seminar 20:20” với tư cách là một khách hàng hài lòng với cách “chăm sóc” của Microsoft, cho biết ông hy vọng sẽ còn tiếp tục thấy những “chuyển biến tích cực” trong cơ cấu giả cả của công ty có trụ sở ở Redmond, Washington (Mỹ). PharmiWeb gần đây đã chọn dùng Visual Studio .Net thay vì J2EE hoặc Eclipse (những công cụ mã mở trên nền Linux) để làm môi trường phát triển một cổng điện tử mà họ đang xây dựng cho ngành y tế ở Anh. Hartigan nói rằng lý do lớn nhất cho việc công ty của ông ra quyết định như vậy là vì Microsoft là “một cửa hàng lớn” đáp ứng đủ các yêu cầu của PharmiWeb.
Phan Khương (theo CNet)