Từ các tính năng được thiết kế trực quan hỗ trợ đa nhiệm đến kho ứng dụng mới, Windows 11 được tối ưu hóa để mang lại những trải nghiệm làm việc, học tập và giải trí kiểu mới. Giao diện hệ điều hành khá giống Windows 10X - nền tảng được Microsoft phát triển trong một thời gian nhưng đã bị hủy bỏ.
Thiết kế tinh giản
Microsoft đã đơn giản hóa thiết kế và giao diện người dùng, ưu tiên sự hiện đại, gọn gàng. Từ nút Start và Taskbar mới đến âm thanh, phông chữ và icon đều được tạo ra một cách có chủ đích để giúp người dùng kiểm soát tốt các chức năng.
Điểm nhấn đầu tiên của hệ điều hành Windows 11 là menu Start được thiết kế lại với nút Start nằm giữa thanh tác vụ thay vì mặc định ở góc trái như trước đây. Tận dụng những tính năng từ nền tảng đám mây và Microsoft 365, nút Start hiển thị những tập tin sử dụng gần đây bất kể trước đó người dùng truy cập tập tin từ thiết bị nào, dù là Android hay iOS. Menu mới cũng loại bỏ các ô vuông Live Tiles được giới thiệu lần đầu tiên trên Windows 8 và thay bằng các icon trực quan hơn.
Theo The Verge, các chi tiết về giao diện trên Windows 11 dường như là sự pha trộn giữa macOS và Chrome OS, thậm chí là cả Android và iOS. Giám đốc Windows Panos Panay thừa nhận nhóm phát triển "đã bị ám ảnh bởi mọi chi tiết" khi tạo ra hệ điều hành mới.
Windows 11 có thêm các tính năng mới như Snap Layouts, Snap Groups và Desktops, được thiết kế để sắp xếp hiệu quả các cửa sổ làm việc, tối ưu hóa không gian màn hình, hiển thị theo cách người dùng muốn một cách gọn gàng dễ nhìn. Người dùng cũng có thể thiết kế các Desktop theo sở thích, chuyển đổi dễ dàng giữa màn hình dành cho công việc, màn hình chơi điện tử hay màn hình học tập ngay tại chính máy tính của mình.
Các widget và cử chỉ cảm ứng của Windows cũng là một phần quan trọng của Windows 11. Thay vì chuyển sang chế độ máy tính bảng, Windows 11 chỉ cần điều chỉnh để cho phép người dùng thao tác trên hệ điều hành ở chế độ đơn giản hơn. Trong khi đó, Widget là nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hóa, cho phép xuất hiện các bản tin phù hợp nhờ ứng dụng AI. Các widget tích hợp bao gồm nguồn cấp tin tức, thời tiết và bản đồ.
Nâng cao trải nghiệm và hiệu suất
Hiệu suất cũng là trọng tâm lớn đối với Windows 11. Theo Microsoft, các bản cập nhật Windows mới sẽ được đóng gói với dung lượng nhỏ hơn 40%, khả năng cài đặt cập nhật nhanh và hiệu quả hơn vì chúng được thực hiện ở chế độ nền.
Microsoft Teams được tích hợp ngay trên thanh tác vụ taskbar. Người dùng có thể kết nối nhanh chóng thông qua tin nhắn, trò chuyện, thoại hoặc video dù đang ở đâu và đang sử dụng Windows, Android hay iOS. Họ cũng có thể kết nối với bạn bè và gia đình thông qua SMS hai chiều trong trường hợp họ không sử dụng Teams. Tích hợp đối với các tính năng hoạt động của Teams cũng đã được cải thiện, cho phép người dùng có thể bật hoặc tắt tiếng trực tiếp từ thanh tác vụ.
Một trong những cập nhật lớn nhất trên Windows 11 là Windows Store và khả năng hỗ trợ ứng dụng Android trên Windows. Microsoft Store được thiết kế lại và sẽ hỗ trợ toàn bộ các ứng dụng thường chưa có sẵn trong cửa hàng ứng dụng Windows, bao gồm các phần mềm do Adobe Creative Suite cung cấp, cũng như các ứng dụng Android như TikTok và Instagram.
Windows 11 cũng sẽ chạy các ứng dụng Android. Microsoft đã hợp tác với Amazon và Intel để biến điều này thành hiện thực bằng công nghệ mới gọi là Intel Bridge. Tại buổi giới thiệu, Microsoft trình diễn TikTok và các ứng dụng Android khác chạy cùng với phần mềm Windows trên Windows 11. Công ty có kế hoạch chia sẻ thêm thông tin về điều này "trong những tháng tới".
Hệ điều hành Windows 11 sẽ được tích hợp sẵn trong các máy tính để bàn mới. Các máy tính đang sử dụng hệ điều hành Windows 10 có thể bắt đầu nâng cấp miễn phí lên Windows 11 vào đầu kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Bảo Lâm