Trong 25 lý do đưa ra để người đọc lựa chọn có những yếu tố như “dễ dàng cài đặt”; “ổn định” và “rẻ tiền”. Người tham gia cũng có thể đưa ra những gợi ý để cải thiện cả hai hệ điều hành. Theo công ty, đây là một phần kế hoạch nghiên cứu thị trường nhằm tìm hiểu nhu cầu khách hàng và phát triển sản phẩm.
Trước đây, Microsoft cũng từng tiếp cận những người sử dụng Linux. Vào tháng 7/2001, hãng tiến hành khảo sát với những nhà lập trình, quản trị hệ thống ở Mỹ, Nhật và châu Âu để tìm hiểu quan điểm của họ về mã nguồn mở, Linux và các phần mềm miễn phí.
Tuy nhiên, có ba lý do khiến những khảo sát kiểu này không mấy hiệu quả. Thứ nhất, cộng đồng người sử dụng mã nguồn mở chẳng mấy thiện chí giúp đỡ Microsoft. Thứ hai, những lời chỉ trích chiến thuật của Microsoft có lẽ còn nhiều hơn cả số bản trả lời giá trị. Cuối cùng, Microsoft khó có thể học được gì từ Linux bởi sự khác biệt về mô hình kinh doanh.
Theo ông Eric Raymond, Chủ tịch tổ chức Open Source Initiative, đây chỉ là dấu hiệu cho thấy mối bất đồng ngấm ngầm lâu nay trong nội bộ Microsoft giữa một phe muốn kiểm soát chặt mã nguồn của Windows và phe kia cởi mở hơn. “Tôi cho rằng ai đó trong Microsoft lập bản câu hỏi này đã biết thừa câu trả lời”, Raymond nói. “Họ khảo sát chỉ để kiếm một bản thống kê, chìa lên quản lý cấp trên và nói Đấy, đấy, tôi đã chả nói với ngài như vậy hay sao?”
Trong thời gian gần đây, Microsoft đang tiến gần hơn tới xu thế mã nguồn mở. Năm 2001, họ giới thiệu chiến lược Mã nguồn chia sẻ (Shared Source Initiative) cho phép tiếp cận một số mã nguồn. Đến tháng 11 năm ngoái, công ty cho biết sẽ cấp phép miễn phí đặc quyền (royalty-free licensing) cho giản đồ Extensible Markup Language trong phiên bản Word, Excel của Office 2003.
Thanh Tùng (theo Internetnews)