Tương tự Generative Fill trên Adobe Photoshop, Generative Fill của Paint cũng cho phép người dùng "vẽ" lên các vùng cụ thể của ảnh. Sau khi chọn, họ có thể nhập lời nhắc văn bản để đưa một thành phần mới vào ảnh.
Trong khi đó, Generative Erase hoạt động giống Spot Healing Brush Tool trong Photoshop, cho phép xóa chi tiết khỏi ảnh. Khi một vùng được chọn, phần không mong muốn sẽ biến mất khỏi ảnh và được bù đắp các chi tiết một cách thông minh nhờ sức mạnh của AI.
Paint được phát hành lần đầu năm 1985 cho Windows 1.0. Năm 2017, Microsoft tuyên bố khai tử và thay bằng công cụ 3D mới. Tuy nhiên, trước phản ứng của người dùng, hãng quyết định giữ lại ứng dụng đồ họa này.
Theo Windows Latest, Paint đang dần trở nên hoàn thiện hơn khi được bổ sung hàng loạt chức năng mới với sức mạnh không thua kém những công cụ chỉnh sửa ảnh hàng đầu. Tháng trước, Paint có thêm công cụ xóa nền chỉ bằng một cú nhấp chuột. Cũng trong tháng 9, công cụ thêm chức năng Layers & Transparency, cho phép người dùng xếp chồng các hình dạng, văn bản và các thành phần hình ảnh khác lên nhau.
Cuối năm ngoái, ứng dụng chỉnh sửa này cũng được bổ sung Dall-E 3, công cụ tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển, với khả năng chuyển văn bản thành ảnh, giúp đơn giản hóa quá trình sáng tạo của người dùng.
Với việc ứng dụng AI vào Paint, Microsoft cũng triển khai hệ thống chứng nhận nội dung C2PA - một phương pháp kiểm tra nguồn gốc ảnh. "Chúng tôi đã triển khai phương pháp xác thực nội dung và nguồn gốc của ảnh dựa trên tiêu chuẩn C2PA để giúp người dùng xác định ảnh do AI tạo ra", đại diện Microsoft nói với PetaPixel.
Theo The Verge, ngoài Paint, Microsoft cũng sẽ hoàn thiện ứng dụng Photos với các tính năng AI, gồm công cụ Generative Erase. Ứng dụng này có thể sẽ được bổ sung Super Resolution, sử dụng AI nâng cấp hình ảnh có độ phân giải thấp. Với Super Resolution, người dùng có thể tăng kích thước hình ảnh lên đến 8 lần so với độ phân giải gốc thông qua thanh trượt miễn phí.
Bảo Lâm
- Microsoft Paint được tích hợp AI tạo ảnh Dall-E