Trong Hội thảo đối tác toàn cầu diễn ra bang Minnesota (Mỹ) tuần trước, Microsoft đã có nhiều cuộc họp liên quan tới Linux và đề cập đến những biện pháp nhằm cạnh tranh với nguồn mở.
Steve Ballmer đã vận động đối tác của mình hướng mục tiêu vào những sản phẩm như Lotus Notes của IBM, Netware của Novell, và coi IBM là đối thủ cạnh tranh số 1 đối với Microsoft. Những cuộc hội đàm như "Selling Against Competitive Platforms" (Doanh số vượt qua những phần nền cạnh tranh) và "Winning in the mid-market vs. Linux" (Giành phần thắng trên thị trường tầm trung với Linux) thừa nhận Linux đã nổi lên như là một đối thủ chính trên thị trường.
Sự hiện diện của Linux trong suốt cuộc hội thảo cho thấy dấu hiệu thay đổi thái độ của Microsoft với nguồn mở. Hãng từng tự hào mình đã chế áp được phần mềm mã mở, nhưng gần đây lại thực hiện nhiều cuộc đối thoại với các lãnh đạo phe Linux và thường xuyên xuất hiện trong những buổi triển lãm liên quan đến "Chim cánh cụt".
Trong một vài tháng qua, Microsoft cũng đã hứa hẹn bắt tay với sản phẩm mã mở. Ví dụ, khách hàng của Microsoft sẽ sớm có thể kiểm soát server của Linux với phần mềm quản lý Microsoft, hay có khả năng chạy Linux và Windows trên cùng một hệ thống. Microsoft đã cung cấp khá nhiều công cụ phát triển cùng với mã nguồn của chúng, và khẳng định họ sẽ tiếp tục mở rộng hướng đi này.
Microsoft còn trao quyền cho Techstream, trung tâm đào tạo công nghệ của mình, quản lý phòng thực hành Linux cho những đối tác quan tâm đến mã mở. Phòng thí nghiệm này tạo điều kiện để người tham gia thử nghiệm Apache và thiết lập Linux với giao diện KDE.
Thái độ này khiến nhiều người cảm thấy dễ chịu, nhưng những nhà lãnh đạo của Linux lại khẳng định đây không khác một thủ thuật mới nhằm giúp Microsoft hiểu rõ hơn đối thủ. Theo họ, mã mở mang lại cho người dùng khả năng tự do tìm hiểu, đóng góp, thay đổi phần mềm khi cần, để tích hợp chúng trong sản phẩm khác. Do đó, nếu Microsoft thực sự muốn tồn tại trong sự hòa hợp với cộng đồng mã mở, họ sẽ cần phải hành động để điều chỉnh vai trò kiểm soát trong mối quan hệ với khách hàng.
P.T. (theo CNet, TechWorld)