Đây là gói thầu hạ tầng phòng thủ hợp tác với doanh nghiệp (JEDI). Amazon được cho là đã bị Tổng thống Donald Trump "hất cẳng", sau khi ông chủ Nhà trắng chỉ trích Jeff Bezos về hoạt động vận động hành lang cũng như hiềm khích trước đó với tờ The Washington Post - tờ báo thuộc sở hữu của ông chủ Amazon.
JEDI, với mục tiêu thay đổi hệ thống điện toán đám mây của quân đội Mỹ trong thời hạn 10 năm, là cuộc ganh đua giữa Microsoft, Amazon và một số đối thủ khác như IBM, Oracle và Google. Đây được xem là một cuộc đua rất khắc nghiệt liên quan đến các nỗ lực vận động hành lang và pháp lý giữa các công ty. Sau cùng, chỉ có Microsoft và Amazon đủ khả năng thực hiện các yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Hợp đồng này cũng có tầm quan trọng đặc biệt với Lầu năm góc trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ quân sự, vốn đang sử dụng những công nghệ từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, quyết định chọn Microsoft lại gây nhiều sự ngạc nhiên bởi Amazon trước đó được xem là ứng cử viên nặng ký nhất, khi hãng này đang cung cấp giải pháp điện toán đám mây cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Tình thế có thể đã thay đổi sau khi Tổng thống Donald Trump công khai thái độ thù địch với Jeff Bezos, do ông chủ của Amazon cũng là người sở hữu tờ báo The Washington Post. Trump thường gọi tờ báo này là "Amazon Washington Post" và nhiều lần cáo buộc phát tán tin giả.
Trước công chúng, người đứng đầu Nhà trắng từng nói những "công ty lớn" khác sẽ có cơ hội được trao hợp đồng này. Tuy nhiên người viết bài phát biểu cho cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis trong một cuốn sách xuất bản vào tuần tới cho rằng ông Trump muốn loại Amazon.
Thông tin này lập tức tác động đến những cá nhân trong nội bộ Lầu năm góc. Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ, Mark T. Esper, trước đó từng nói muốn xem xét lại các vấn đề này nhưng sau đó phải tự cứu lấy mình khi rút khỏi cuộc đấu thầu. Ông nói không muốn tham gia bởi con trai đang làm việc cho IBM - một đối thủ trong cuộc cạnh tranh gói thầu 10 tỷ USD.
Trong một tuyên bố ngày thứ Sáu tuần trước, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cuộc đấu thầu diễn ra đúng theo luật pháp và quy định hiện hành, "tất cả các nhà cung cấp đều được đối xử công bằng và được đánh giá nhất quán với các tiêu chí".
Tuy nhiên, ngay sau khi bị Microsoft "nẫng tay trên", Amazon cho biết rất ngạc nhiên về quyết định của Bộ Quốc phòng. "Amazon Web Services (AWS) rõ ràng là nền tảng điện toán đám mây hàng đầu thị trường và nếu được đem ra so sánh và đánh giá chi tiết thì hẳn Lầu năm góc sẽ đưa ra một quyết định khác", Drew Herdener, người phát ngôn của Amazon, cho biết.
Việc trao hợp đồng cho Microsoft làm dấy lên những nghi ngờ rằng Trump đã có những cân nhắc và tác động riêng chống lại Amazon. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực ký kết hợp đồng liên bang, hành động can thiệp của tổng thống trong một cuộc đấu thầu là không phù hợp.
Price Floyd, cựu lãnh đạo bộ phận quản lý các vấn đề công cộng tại Lầu năm góc, cho rằng những lời chỉ trích của Trump về Amazon là cơ sở để phản đối việc trao gói thầu này cho Microsoft. "Ông ấy là tổng tư lệnh nhưng lại không tinh tế khi thể hiện sự thù địch trước Amazon", Floyd nói.
Chiến thắng của Microsoft trước Amazon cũng thể hiện diện mạo của ngành công nghiệp điện toán đám mây khi ngày càng nhiều các doanh nghiệp chọn môi trường "cloud" để có thể truy xuất nhanh hơn và tiết kiệm hơn. Theo Daniel Ives, nhà phân tích của Wedbush Securities, Amazon đã thống trị thị trường điện toán đám mây từ lâu với 45% thị phần, trong khi Microsoft bám theo sau với 25% thị phần.
"Việc có được hợp đồng JEDI mang lại lợi thế cho Microsoft trước khoản đầu tư lên đến 40 tỷ USD mà chính phủ Mỹ dự kiến sẽ bỏ ra cho dịch vụ điện toán đám mây trong vài năm tới", Ives cho biết.
Minh Sơn (theo New York Times)