Nếu như James Cameron là “đạo diễn của các phim bom tấn”, Roland Emmerich là “đạo diễn của các phim thảm họa” thì tới những bộ phim hành động với các cảnh cháy nổ được thực hiện hoành tráng, người hâm mộ điện ảnh luôn nghĩ ngay tới Michael Bay. Bad Boys, Armageddon, Pearl Harbor hay loạt phim Transformers đều sở hữu các cảnh quay tràn ngập khói lửa, các trường đoạn quay chậm trên chiến trường làm nên thương hiệu của Bay.
Một điểm chung nữa là các tác phẩm kể trên đều có tính giải trí cao, khiến dù cho chất lượng phim có bị giới phê bình đánh giá thấp, khán giả vẫn đổ xô tới rạp xem và đem về doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Mùa hè này, Michael Bay lại một lần nữa khiến người hâm mộ điện ảnh phải choáng ngợp với các cảnh chiến đấu long trời lở đất trong bom tấn Transformers: Age of Extinction.
Đến với điện ảnh một cách ngẫu nhiên
Sở thích với các cảnh cháy nổ của Michael Bay có lẽ tới từ một sự cố thời thơ ấu của ông, khi một trò nghịch ngợm của Bay suýt chút nữa gây ra tai họa. Ông thử buộc pháo hoa vào một tàu hỏa đồ chơi, châm lửa và thích thú quay lại trải nghiệm đó bằng máy quay của mẹ. Kết cục của trò nghịch dại dột đó là việc các nhân viên cứu hỏa đã phải có mặt còn bản thân Bay thì bị gia đình phạt nặng.
Tới khi là một cậu thiếu niên, Michael Bay lại có dịp tham gia đoàn làm phim Raiders of the Lost Ark (1981) của đạo diễn Steven Spielberg. Ban đầu, khi hỗ trợ nhà sản xuất kiêm tác giả cốt truyện George Lucas, Michael Bay cho rằng nội dung phim thật tồi tệ và đây sẽ là một thảm họa khi ra rạp. Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với dự đoán ấy, Raiders of the Lost Ark lại thành công rực rỡ trên toàn cầu và giới thiệu tới người xem nhân vật Indiana Jones huyền thoại. Tận mắt chứng kiến cuộc phiêu lưu hấp dẫn của Indiana Jones trên màn ảnh rộng, Michael Bay nhận ra mình đã sai lầm thế nào và quyết tâm trở thành một đạo diễn để đưa các ý tưởng trong đầu mình tới với khán giả.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Wesleyan năm 1986 với bằng về Tiếng Anh và Điện ảnh, Michael Bay bắt đầu làm việc tại hãng Propaganda Films. Tuy nhiên, chàng sinh viên mới tốt nghiệp này không khởi đầu ngay với môn nghệ thuật thứ bảy mà lại thể hiện tài năng bằng cách đạo diễn các video clip quảng cáo và âm nhạc. Ông dần chứng tỏ thực lực của mình khi liên tục được các thương hiệu như Nike, Reebok, Coca-Cola hay Budweiser mời cộng tác.
Mảng đạo diễn video âm nhạc cũng tạo nên những thành công bước đầu cho Bay, khi ông làm việc cùng những ca sĩ tên tuổi như Tina Turner, Meat Loaf hay Lionel Richie. Giai đoạn kể trên giúp Michael Bay có những kinh nghiệm cần thiết và cũng giải thích vì sao trong các bom tấn về sau này của ông thường có những bản nhạc bất hủ và phù hợp với bối cảnh phim. Những ca khúc gắn liền với bộ phim như I Don’t Wannna Miss A Thing (phim Armageddon), There You’ll Be (phim Pearl Harbor) hay What I’ve Done (phim Transformers) cho thấy khả năng cảm thụ âm nhạc tốt của vị đạo diễn sinh năm 1965.
Với những thành công sớm kể trên, Michael Bay gây sự chú ý và được các nhà sản xuất Jerry Bruckheimer cùng Don Simpson chọn làm đạo diễn cho bộ phim hành động – hài Bad Boys. Được quay vào năm 1995, tác phẩm kể câu chuyện về hai viên cảnh sát do Will Smith và Martin Lawrence thủ vai trong công cuộc điều tra một vụ trộm heroin cũng như bảo vệ một nhân chứng.
Dẫu cho bị đánh giá là một phim “bình mới rượu cũ” với nội dung được xào lại từ các phim về cảnh sát như Beverly Hills Cop hay Lethal Weapon nhưng tính giải trí đến từ sự hài hước của cặp Smith - Lawrence cùng các trường đoạn hành động vẫn giúp Bad Boys thắng lớn tại phòng vé. Được làm với kinh phí chỉ 19 triệu USD, bộ phim thu về khoảng 141 triệu USD và còn được làm thêm một phần nữa vào năm 2003 (đạt doanh thu 273 triệu USD).
Bad Boys không chỉ là bước đột phá cho nam diễn viên chính Will Smith (vốn được biết tới chủ yếu qua màn ảnh nhỏ khi ấy) mà còn đưa Michael Bay từ một đạo diễn video ca nhạc, quảng cáo trở thành một đạo diễn phim truyện. Thành công về doanh thu của bộ phim cũng giúp Bay trở thành người cộng sự thân tín của nhà sản xuất lừng danh Jerry Bruckheimer.
Những lời phê bình không ảnh hưởng tới doanh thu
Tính cả phần 4 của loạt phim Transformers thì sau gần hai thập niên làm đạo diễn phim truyện, gia tài của Michael Bay đang dừng ở con số 11 bộ phim. Nếu chỉ nhìn qua số điểm đánh giá từ trang điện ảnh uy tín Rotten Tomatoes thì sự nghiệp của Bay với tư cách đạo diễn phim truyện thật sự là thảm họa, khi bộ phim đạt điểm cao nhất là The Rock (1996) cũng chỉ dừng ở mức 67%, còn lại đều được chấm điểm trung bình hoặc dưới mức trung bình.
Thế nhưng Bay vẫn là một trong những đạo diễn và nhà sản xuất được săn đón nhất của Hollywood, bởi hầu như mọi dự án mà ông tham gia đều hốt bạc. Ngay từ năm 1998 - tức là chỉ ba năm sau khi Bay bắt đầu làm phim - ông đã trở thành đạo diễn trẻ nhất trong lịch sử có các phim cán cột mốc 1 tỷ USD trên toàn cầu sau thành công của Armageddon.
Các phim của Michael Bay thường thiếu chiều sâu cả về nội dung lẫn nhân vật, nhưng được bù lại bởi các hiệu ứng cháy nổ, kỹ xảo và các pha hành động đã mắt. Chính vì lẽ đó mà dù bị nhiều nhà phê bình đánh giá thấp, phim gắn mác Michael Bay vẫn thu bộn tiền.
Ví dụ điển hình là Transformers: Revenge of the Fallen (2009), bộ phim được thực hiện trong giai đoạn các nhà biên kịch của Hollywood đình công dẫn tới nội dung bị chê là nhạt nhẽo và được thực hiện chỉ để ăn theo ánh hào quang của Transformers hai năm trước đó.
Dù bộ phim khiến Michael Bay bị gọi là “bất tài” và đem cho ông các giải thưởng Mâm Xôi Vàng ở hạng mục Đạo diễn và Phim tệ nhất nhưng xét về khía cạnh thương mại, đây lại là một chiến thắng lớn của ông. Revenge of the Fallen thu về 832 triệu USD trên toàn cầu và là đĩa DVD bán chạy thứ nhì năm đó. Để đáp lại những lời chỉ trích về chất lượng bộ phim, Michael Bay từng trả lời một cách mỉa mai: “Ồ, tôi làm phim dành cho các cậu thiếu niên đấy. Đó hẳn là một tội ác khủng khiếp phải không?”.
Sự tái xuất được chờ đợi
Có một sự thật không thể phủ nhận là Michael Bay luôn rất tâm huyết với các bộ phim của mình và tìm cách làm khán giả hài lòng hết mức có thể. Khi quay Bad Boys, ông từng chi tới 25.000 USD tiền túi (bằng một phần tư mức thù lao được trả) để thực hiện lại một cảnh quay cho vừa ý sau khi nhà sản xuất từ chối cung cấp tiền để Bay được như ý. Mỗi khi thưởng thức các phần Transformers, yếu tố thị giác của người xem luôn được ông thỏa mãn với các cảnh quay chiến đấu đã mắt, khiến ngay cả khi nội dung phim bị chê thậm tệ thì khán giả vẫn không bực bội khi rời khỏi rạp.
Từ lần đầu ra mắt năm 2007, tập phim Transformers đã trở thành một hiện tượng của màn ảnh rộng khi thu về tới hơn 700 triệu USD trên toàn cầu. Hai phần tiếp đó lần lượt ra mắt cách quãng hai năm và đều đại thắng ở phòng vé, để rồi giờ đây dòng phim Transformers đã thu về 2,7 tỷ USD chỉ sau ba tập phim. Đây là dòng phim “thương hiệu” của Michael Bay, khi các màn chiến đấu hoành tráng tràn ngập hiệu ứng do ông đạo diễn chính là thứ khiến hàng triệu khán giả say mê. Đó là lý do mà nữ diễn viên chính Megan Fox ngay lập tức bị loại khỏi phần ba Dark of the Moon sau khi công khai chỉ trích Michael Bay, bởi vị đạo diễn này mới chính là ngôi sao lớn nhất của đoàn phim.
Với tập mới nhất mang tên Age of Extinction, Michael Bay lại khiến các rạp chiếu “nổ tung” bởi sự hoành tráng. Không chỉ đưa khán giả làm quen với một dàn diễn viên mới (tài tử Mark Wahlberg và người đẹp Nicola Peltz), Bay còn giới thiệu cả những robot mới, trong đó nổi bật nhất là các Dinobot (Transformer có hình dạng khủng long).
Ngay khi trailer được tung ra ở trận đấu Super Bowl hồi tháng 2, hình ảnh Optimus Prime cầm kiếm đầy oai dũng đã khiến nhiều fan mất ăn mất ngủ để đợi tới ngày thưởng thức bom tấn Transformers 4. Mùa hè này, Michael Bay còn là nhà sản xuất cho dự án phim Teenage Mutant Ninja Turtles. Dù chất lượng của các bộ phim trên còn là chuyện “hạ hồi phân giải” song khán giả sẽ luôn được đảm bảo về độ giải trí của một tác phẩm do Michael Bay đứng tên.
Thịnh Joey