Theo CNN, giáo sư Goong Chen cùng các nhà toán học thuộc trường đại học Texas A&M ở Qatar đã dựa vào toán học ứng dụng và động lực học chất lỏng để tạo ra hình ảnh mô phỏng trên máy tính của chiếc máy bay Boeing 777 khi đâm xuống biển ở góc 90 độ.
Khi một chiếc máy bay đâm xuống biển, nó sẽ vỡ thành nhiều mảnh nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi lao xuống ở một góc gần như thẳng đứng, thiệt hại đối với máy bay ở mức tối thiểu.
Các cánh của phi cơ sẽ vỡ ra ngay lập tức và cùng các mảnh vỡ nặng khác chìm xuống đáy biển, trong khi thân máy bay vẫn nguyên vẹn.
Ông Chen và các đồng nghiệp đưa ra 5 kịch bản cho sự mất tích của MH370 nhưng cho rằng giả thiết trên có khả năng xảy ra cao nhất, bởi nó giải thích được tại sao không dấu vết hay mảnh vỡ nào của máy bay được tìm thấy.
Ông Chen không đưa ra giải thích vì sao máy bay lại lao xuống biển theo chiều thẳng đứng.
"Những khoảnh khắc cuối cùng của MH370 vẫn là một bí ẩn cho đến một ngày khi hộp đen của nó được tìm thấy và giải mã", ông nói. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia này đã được đăng trong Thông báo của Hội Toán học Mỹ số tháng 4.
Các giả thiết khác được họ đưa ra bao gồm phi hành đoàn và hành khách bị bất tỉnh vì gặp sự cố như cháy nổ, phi hành đoàn mất kiểm soát máy bay, khủng bố và phi công tự sát.
Máy bay của Malaysia Airlines chở 239 người biến mất vào ngày 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Dữ liệu vệ tinh cho thấy nó đã kết thúc hành trình ở nam Ấn Độ Dương, đại dương có diện tích gấp ba lần nước Mỹ.
Tàu thuyền cùng các trang thiết bị hiện đại của nhiều nước, dẫn đầu là Australia, đã nỗ lực tìm kiếm suốt hơn một năm qua nhưng không đạt được kết quả gì.
Hồi tháng 4, khu vực tìm kiếm được gấp đôi lên 120.000 km2. Tuy nhiên, chính phủ Australia, Malaysia và Trung Quốc nhất trí rằng do không có thêm thông tin để định vị máy bay, họ sẽ không mở rộng khu vực tìm kiếm thêm nữa.
Australia dự kiến kết thúc cuộc tìm kiếm MH370 vào cuối năm nay khi nguồn ngân sách cạn kiệt.
Anh Ngọc