Ông Azharuddin Abdul Rahman đưa ra nhận định trên trong buổi họp báo trước đông đảo phóng viên tại Kuala Lumpur để trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Căn cứ theo dữ liệu vệ tinh, tín hiệu cuối cùng mà máy bay phát đi là vào lúc 8h11 sáng 8/3.
Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết hiện chưa thể xác định được vị trí chính xác của máy bay, nhưng MH370 có thể nằm ở đâu đó dọc theo hai hành lang: Một là trải dài từ miền Bắc Thái Lan đến biên giới giữa Kazakhstan và Turkmenistan, hai là từ Indonesia đến Nam Ấn Độ Dương. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với giới chức Mỹ cho hay MH370 có thể bay về hướng Nam Ấn Độ Dương và đã rơi vì hết nhiên liệu. Hành lang phía bắc là khu vực giao thông quốc tế qua lại nhộn nhịp hơn nên nếu bay qua đây máy bay có thể đã được phát hiện.
Cùng tham gia cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussei cho biết việc tìm kiếm MH370 đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ông cũng thông báo việc Malaysia đã đề nghị nhiều nước bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Pháp cung cấp dữ liệu vệ tinh để giúp tìm kiếm chiếc máy bay.
Giới chức Malaysia tuyên bố sẽ không bình luận về các nguyên nhân có thể khiến chiếc máy bay chuyển hướng so với lịch trình bay ban đầu. Telegraph dẫn lời ông Hussei khẳng định tin đồn cơ trưởng và cơ phó gửi yêu cầu đặc biệt để được có mặt trên chuyến bay này là không chính xác. Ông cũng bác bỏ tin đồn cho rằng chiếc máy bay đã hạ cánh ở một khu vực nào đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc Malaysia Airlines cho hay: "Thông thường máy bay được cung cấp đầy nhiên liệu để có thể kéo dài thời gian bay trong trường hợp cần thiết". Chiếc MH370 đã cất cánh khi được cung cấp đủ năng lượng theo lịch trình bay xác định.
Cảnh sát Malaysia cũng đã điều tra nhà của cơ trưởng và cơ phó trên chuyến bay MH370, đồng thời kiểm tra hệ thống máy bay mô phỏng cá nhân của cơ trưởng. Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết. "Quá trình điều tra sẽ được tiến hành với các thành viên của hãng hàng không làm việc trên mặt đất cũng như phi hành đoàn và hành khách có mặt trên MH370, kể cả những người chưa từng có bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào trước đây".
Ông Bakar cũng không loại trừ khả năng máy bay bị không tặc và khả năng máy bay bị khủng bố hay âm mưu phá hoại sẽ được xem xét. Tuy nhiên giới chức Malaysia từ chối bình luận thông tin cho rằng trường hợp của MH370 có thể là một vụ tấn công theo kịch bản của vụ 11/9.
Theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia, vệ tinh đã nhận được 6 tín hiệu từ MH370 kể từ khi nó mất liên lạc với các đài kiểm soát không lưu, trong đó tín hiệu cuối cùng nhận được lúc 8h11 sáng ngày 8/3. Các nhà điều tra Malaysia vẫn đang chờ một số quốc gia gửi thông tin về lý lịch của hành khách có mặt trên MH370 khi các bằng chứng mới đây cho thấy hệ thống liên lạc trên máy bay có thể đã bị vô hiệu hóa một cách chủ ý bởi một người nào đó.
Trong hơn một tuần chiếc máy bay mất tích, hơn 25 quốc gia đã tham gia vào hoạt động tìm kiếm trên đất liền và 11 quốc gia tìm kiếm trên biển. Khu vực tìm kiếm MH370 cũng được mở rộng ra các vùng biển sâu và hẻo lánh. Malaysia đang yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ và Trung Quốc trong việc sử dụng dữ liệu vệ tinh để xác định vị trí phi cơ mất tích.
Bộ trưởng Hussein cũng bác bỏ các tin cho rằng một số quốc gia đã không hợp tác trong quá trình tìm kiếm MH370. Ông mô tả số lượng người tham gia chiến dịch xác định tung tích chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines là "chưa từng có" trong các hoạt động tìm kiếm và điều tra quốc tế. Điều này theo quan chức Malaysia cũng đồng thời cũng tạo ra những thách thức trong quá trình phối hợp.
Hiện Malaysia kêu gọi sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế trong quá trình tìm kiếm MH370 dọc theo hai hành lang bay từ biển Caspian tới phía nam Ấn Độ Dương. Kuala Lumpur cũng ra thông báo ngắn gọn với đại diện của khoảng 20 quốc gia về quá trình điều tra sau khi dừng tìm kiếm phi cơ mất tích trên Biển Đông, khu vực mà chiếc MH370 chở theo 239 người đã biến mất khỏi màn hình radar dân sự sáng sớm 8/3.
Các nhà ngoại giao quốc tế nhận định đề nghị chính thức của Malaysia đã đánh dấu một thời kỳ ngoại giao mới trong việc mở rộng hoạt động trên hai bán cầu, dù các quốc gia đã có sự hợp tác riêng lẻ. "Cuộc họp giúp chúng tôi biết chính xác những gì đang diễn ra và họ cần giúp đỡ như thế nào. Càng quan trọng hơn với họ khi nói với chúng tôi rằng 'xin hãy sử dụng tất cả các nguồn lực", Reuters dẫn lời ông T. S. Tirumurti, Cao ủy của Ấn Độ ở Malaysia, bình luận.
Thùy Linh - Nguyễn Tâm