"Chúng tôi đơn giản đề xuất rằng tính toàn vẹn của các cơ sở ngoại giao, tức lãnh thổ Mexico, cần được tôn trọng và giữ gìn. Điều đó cũng áp dụng với những người bên trong ", Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard tuyên bố hôm qua, thêm rằng đơn kiện sẽ được gửi tới Tòa Công lý quốc tế ở Hà Lan vào cuối ngày.
Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để giải quyết "tình trạng khẩn cấp", trong khi Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề Mỹ Latin Maximiliano Reyes cho rằng nên tổ chức cuộc họp ở nước thứ ba để giải quyết bế tắc.
Quan hệ Mexico và Bolivia trở nên căng thẳng sau khi Mexico cấp quyền tị nạn cho cựu tổng thống Bolivia Evo Morales, người từ chức hôm 10/11 và cung cấp nơi ở trong đại sứ quán ở La Paz cho khoảng 20 quan chức hàng đầu của chính quyền Morales.
Mexico cáo buộc chính phủ lâm thời Bolivia đáp trả bằng chiến dịch "quấy rối và đe dọa" khi triển khai lượng lớn cảnh sát và nhân viên tình báo bên ngoài sứ quán. Theo Mexico, động thái này đã vi phạm Công ước Vienna năm 1961 về quyền được bảo vệ của các phái đoàn ngoại giao.
Chính phủ lâm thời Bolivia phủ nhận cáo buộc và cho rằng quan chức Mexico "mâu thuẫn trắng trợn", khẳng định chính Mexico đã yêu cầu tăng cường an ninh tại đại sứ quán và dinh thự của đại sứ.
"Bất kỳ khiếu nại nào của Mexico lên Tòa Công lý quốc tế đều sẽ lập tức bị bác bỏ. Bolivia không vi phạm Công ước Vienna", Ngoại trưởng Bolivia Karen Longaric nói.
Bolivia rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi Morales, người nắm quyền từ năm 2006, tuyên bố giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư. Phe đối lập cáo buộc ông gian lận phiếu bầu. Morales từ chức sau khi mất sự ủng hộ của quân đội, sang tị nạn tại Mexico và Argentina.
Sau khi Jeanine Anez trở thành Tổng thống lâm thời, chính quyền Bolivia đã phát lệnh bắt 4 cựu quan chức bên trong đại sứ quán Mexico, cáo buộc họ tội xúi giục và khủng bố liên quan đến biểu tình bạo lực khiến 36 người chết.
Huyền Lê (Theo AFP)