Sáng 28/8, UBND TP HCM đã tổ chức lễ khởi công tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến tàu điện đầu tiên của cả nước. Tham dự lễ có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Yasuaki Tanizaki, lãnh đạo TP HCM, Bình Dương cùng đại diện người dân bị giải tỏa để nhường đất cho dự án.
| |
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cùng lãnh đạo TP HCM bấm nút khởi công dự án tuyến metro số 1 sáng 28/8. Ảnh: Hữu Công. |
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, thành phố đã được xác định là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế chính trị xã hội của cả nước. Vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã ưu tiên xây dựng, phát triển thành phố bền vững. Đây là tuyến tàu điện đầu tiên của cả nước nên quá trình xây dựng đã gặp rất nhiều khó khăn từ vốn, trình độ kỹ thuật cho đến cả chính sách. Nhưng với sự nỗ lực của thành phố, cùng sự hỗ trợ của các bộ ngành và Chính phủ Nhật Bản, dự án đã được chính thức khởi công.
"Thành phố cũng xin cám ơn bà con, những người đã hy sinh lợi ích của mình, nhường đất cho dự án để góp phần xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng hiện đại, phát triển", Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh. Để thực hiện dự án này, gần 1.200 hộ dân và hơn 300 đơn vị, cơ quan đã phải di dời.
* Clip mô phỏng hành trình của tuyến tàu điện ngầm |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã gửi lời chúc mừng của Chính phủ đến nhân dân thành phố, đồng thời cũng yêu cầu UBND TP, Sở GTVT cũng như chủ đầu tư và nhà thầu cần nỗ lực để dự án được thực hiện đúng tiến độ đã cam kết, góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn. Đồng thời góp phần vào việc phát triển đô thị và kinh tế xã hội của thành phố.
| |
Phối cảnh tuyến metro số 1. |
Theo ông Nguyễn Đô Lương, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị, cùng với các dự án giao thông trọng điểm khác, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lớn cho mục tiêu phát triển giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông. "Đây sẽ là mạch máu giao thông của một đô thị hiện đại, góp phần vào việc phát triển đô thị và phát triển kinh tế xã hội của thành phố", ông Lương nói. Trong khi đó, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Yasuaki Tanizaki đánh giá "dự án metro số 1 sẽ là bước ngoặt thay đổi phương tiện giao thông của người dân".
Dự kiến, tuyến metro số 1 sẽ được hoàn thành cuối năm 2017 và chính thức đưa vào sử dụng vào đầu năm 2018. Theo thiết kế, khả năng vận chuyển của tuyến Bến Thành - Suối Tiên là 186.000 khách mỗi ngày, đến năm 2020 vận chuyển được 620.000 khách và vào năm 2040 lên đến 1.020.000 hành khách. Với tốc độ tàu metro chạy từ 40 đến 60km/h trên lộ trình Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km chỉ mất khoảng 30 phút (cứ 5 phút có một chuyến xuất bến và tàu dừng ở mỗi ga bình quân 1,5 phút để đón và trả khách).
Việc triển khai dự án tuyến metro số 1 còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến như quận 2, 9, Thủ Đức (TP HCM) và Thị xã Dĩ An (Bình Dương). Trong tương lai, tuyến metro này có thể được kéo dài đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và đấu nối với tuyến đường sắt liên vùng đến thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Sơ đồ toàn tuyến metro số 1. |
Metro là tàu điện chạy trong đô thị có sức vận chuyển khối lượng lớn, là loại tàu điện (giống loại tàu lửa) nhưng chạy bằng điện (không sử dụng đầu kéo Diesel như tàu lửa). Tàu gồm toa có động cơ xen lẫn toa không động cơ chạy bằng điện. Tùy theo lượng hành khách đi lại vào giờ cao điểm mà tàu có từ 3 đến 6 toa và chạy giãn cách khoảng 3 đến 10 phút. Ngoài tuyến metro số 1, TP HCM dự kiến xây dựng thêm 6 tuyến metro khác gồm: Tuyến số 2 (Thủ Thiêm - bến xe Tây Ninh) dài khoảng 20 km. |
Hữu Công