Ban quản lý đường sắt đô thị tiếp tục gửi văn bản "khẩn" đề nghị UBND TP HCM tạm ứng 1.173 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1. Trong đó, 600 tỷ đồng lẽ ra phải trả trong tháng 9.
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, năm ngoái thành phố đã tạm ứng 600 tỷ đồng để trả nợ. Sau đó, phần giải ngân vốn ODA cho metro số 1 tiếp tục bị đóng băng trong một thời gian dài. Hồi tháng 8, lần thứ hai thành phố tạm ứng 500 tỷ đồng.
"Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố, song giải pháp này không phải là bài toán căn cơ lâu dài vì việc tạm ứng rồi thu hồi cũng có nhiều thủ tục, khó khăn", ông nói.
Theo ông Quang, tiền thành phố ứng ra chưa đáp ứng được nhu cầu vì mỗi tháng giá trị nhà thầu thực hiện dự án khoảng 500 - 600 tỷ đồng, thanh toán xong đợt này thì phải có nguồn để trả những tháng sau.
"Trong khi đó tiền Trung ương giải ngân 'vừa về là hết', không đủ để giải quyết khó khăn trước mắt. Các nhà thầu Nhật đã bày tỏ thái độ gay gắt, yêu cầu thành phố thanh toán đúng tiến độ", ông Quang chia sẻ.
Việc metro Sài Gòn bị thiếu vốn liên tục được nhắc trong các cuộc họp của UBND TP HCM. Tình trạng "giật gấu vá vai" của dự án tỷ USD này được thành phố gửi hàng loạt văn bản gửi lên các bộ, ngành nhưng không có chuyển biến.
Số liệu của Ban quản lý đường sắt đô thị cho thấy, hiện vốn ODA cho metro số 1 chỉ đáp ứng 36% nhu cầu dự án. Năm nay cần khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được hơn 2.100 tỷ. Trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 Trung ương phải giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, song thành phố mới nhận được 7.500 tỷ - tức còn thiếu hơn 13.400 tỷ.
Dù cuối tháng 8 Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2017 (đợt 3) nhưng TP HCM vẫn chưa được nhận. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư và tạm ứng nguồn vốn ODA cho dự án cũng chưa chuyển biến.
Nguyên nhân bắt nguồn từ điểm nghẽn về chậm giải ngân vốn đầu tư công. TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng áp dụng quy định đối với các dự án ODA quan trọng, nếu có phát sinh phải điều chỉnh thì Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt, không phải trình Quốc hội. Thủ tướng chỉ thực hiện báo cáo Quốc hội tại phiên họp cuối năm để Quốc hội giám sát, theo dõi.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm, nếu quy định này được áp dụng thì điểm nghẽn về vốn đầu tư công cho metro số 1 và nhiều công trình trọng điểm của thành phố sẽ được giải quyết toàn diện.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Theo kế hoạch, ngày 23/10 công tác lắp đặt đường ray ở đoạn trên cao sẽ bắt đầu, từ ga Phước Long đến Thủ Đức trước, sau khi hoàn chỉnh mới làm đại trà từ Thủ Đức đến Depot Long Bình.
Nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đang sản xuất đầu và toa xe theo kiểu dáng, thiết kế mới sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân và các đoàn thể được UBND thành phố thông qua. Tháng 10/2018 sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam.
Hữu Công