Thứ năm, 28/11/2024
Thứ sáu, 1/10/2021, 00:00 (GMT+7)

Metro Nhổn - ga Hà Nội sau hơn 10 năm khởi công

Tiến độ chung Metro Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 74%, tuy nhiên dự án đang dừng thi công ga ngầm và dự kiến không đạt kế hoạch vận hành vào cuối năm 2022.

Khu Depot Nhổn (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) điểm đầu của tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội hiện còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ tháng 9/2010, dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Ba đoàn tàu đậu trong khu vực Depot Nhổn. Hơn 10 ngày trước, đoàn tàu cuối cùng trong 10 đoàn tàu của dự án đã về đến cảng Hải Phòng. Đoàn tàu đầu tiên của dự án cập cảng Hải Phòng một năm trước, tháng 10/2020.

Dự án sử dụng 10 đoàn tàu theo tiêu chuẩn châu Âu từ nhà sản xuất Alstom, Pháp. Khi hoạt động chính thức, dự án sẽ vận hành liên tục 8 đoàn tàu, một dự bị phục vụ giờ cao điểm nếu quá tải và một phục vụ cứu hộ khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.

Đoàn tàu đỗ ở nhà ga S1, nằm trên quốc lộ 32, khu vực Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ga S1 là điểm đầu của tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Nhà ga S1 đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, phục vụ quá trình chạy thử tàu và được chọn làm nơi tổ chức cho người dân tham quan đoàn tàu hồi cuối tháng một.

Tàu đi qua nút giao Xuân Thuỷ - Mai Dịch trong đợt chạy thử toàn tuyến vào tháng 7. Mỗi đoàn tàu có khả năng chuyên chở 944 - 1.124 người, khai thác tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế 80 km/h. Các đoàn tàu vận hành liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435 mm).

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tính đến tháng 8/2021, tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%; đoạn trên cao đạt gần 90%. Hiện dự án đã hoàn thành công tác lắp đặt cho phân nhóm thông tin, tín hiệu, cung cấp điện từ ga S01 đến ga S08 và triển khai đào tạo hệ thống thông tin tín hiệu.

Cầu thang bộ lên nhà ga S6 (khu vực Đại học Sư Phạm, đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy) vẫn đang ngổn ngang vật liệu và được rào chắn tôn.

Hà Nội đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao khoảng 8,5 km từ Depot Nhổn đến nhà ga S8 (Đại học Giao thông Vận tải) vào hoạt động cuối năm 2021. Tuy nhiên, MRB cho hay, do những khó khăn khách quan của dịch Covid-19, đoạn trên cao của tuyến đường sắt này không kịp đưa vào khai thác theo dự kiến.

Cổng vào công trường đoạn đối diện công viên Thủ Lệ được khoá, bên trong chỉ lác đác vài công nhân làm việc. Đây là đoạn nối giữa đường trên cao xuống ga ngầm.

Đoạn ngầm (khoảng 4 km) dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2022. Nhưng từ tháng 7/2021, nhà thầu liên danh Hyundai - Ghella lấy lý do hiện còn vướng mặt bằng tại ga S11 (nhà 23 Quốc Tử Giám, Đống Đa) và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm chưa được di dời (do khung chính sách đền bù chưa được phê duyệt) nên đã tạm dừng thi công trên toàn bộ gói thầu (thi công hầm và ga ngầm).

Các hạng mục đang thi công tại công trường Metro Nhổn - ga Hà Nội, đoạn đối diện công viên Thủ Lệ.

Để nhà thầu thi công hầm và ga ngầm trở lại, lãnh đạo thành phố và các bên liên quan đã có nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đầu tháng 8, Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành để tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt này.

Nhà chỉ huy ga S11 và S12 (ga Văn Miếu và ga Hà Nội). Đoạn đi ngầm khoảng 4 km với 4 ga ngầm từ S9 đến S12. Ngoài ga S9 (bến xe Ngọc Khánh cũ) đã thi công được một số hạng mục, ba ga còn lại tiến độ rất chậm.

Tại khu vực thi công ga S11 (ga Văn Miếu) dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng 7 nhà và tạm cư cho khoảng 40 nhà dân. Việc giải phóng mặt bằng ở đây đang chậm tiến độ và là nguyên nhân nhà thầu nước ngoài dừng thi công toàn bộ gói hầm và ga ngầm.

Theo MRB, số nhà 23 Quốc Tử Giám là điểm ngẽn của ga S11. Số nhà này, tầng 1 là trụ sở công an phường Văn Chương, các tầng trên là có hộ gia đình sinh sống. Hiện các đơn vị liên quan chưa thống nhất được phương án xử lý đối với công trình này.

Ga S12 (đối diện ga Hà Nội) được bàn giao mặt bằng để thi công từ năm 2019, nhưng đến nay phải tạm dừng thi công do bất cập từ việc giải phóng mặt bằng ga S11.

Đoạn trên cao dài khoảng 8,5 km, dự kiến đưa vào khai thác từ cuối năm 2021 nhưng đã lỡ hẹn. Sau hơn 10 năm khởi công, hiện cơ quan quản lý chưa công khai mốc thời gian hoàn thành dự án.

Phạm Chiểu - Võ Hải