Trung tâm CSC hiện có mặt ở 120 quốc gia, mục tiêu kết nối cộng đồng toàn cầu với nguồn tài nguyên thông tin có tính xác thực từ các tổ chức về khí hậu, cũng như chỉ dẫn về các hành động thiết thực mà mọi người có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày để đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo số liệu của Meta, hơn 80% người Việt tham gia khảo sát cho biết họ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và muốn có nhiều thông tin về lĩnh vực này. Về mặt chính sách, hơn 90% ủng hộ Việt Nam tham gia vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trung bình 8 trong số 10 người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu nên là một ưu tiên ở mức cao đến rất cao của Chính phủ. Ngoài ra, nhiều người chia sẻ họ "có phần lo lắng" hoặc "rất lo lắng" về vấn nạn biến đổi khí hậu.
Vấn đề năng lượng tái tạo cũng được quan tâm và ủng hộ. Có 8 trên 10 người cho rằng Việt Nam nên sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn, 67% tin hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ cải thiện tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm so với hiện tại.
Số liệu trên là một phần trong khảo sát mà Meta hợp tác với Chương trình Yale về Truyền thông Biến đổi Khí hậu, thực hiện với 76.328 người dùng Facebook trên 18 tuổi tại 31 quốc gia và công bố trước thềm Hội nghị COP26, diễn ra từ 31/10 đến 12/11 tại Glasgow, Scotland. Mục tiêu của khảo sát là khám phá, tìm hiểu thái độ, nhận thức của người dân khi bàn về biến đổi khí hậu.
Meta khẳng định họ cam kết cắt giảm các tác động môi trường của mình, đẩy nhanh các tiến bộ khoa học về khí hậu trong cộng đồng, đồng thời giảm thiểu vấn nạn sai lệch thông tin về khí hậu. Bên cạnh đó, Meta đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon bằng 0 trên toàn bộ chuỗi giá trị, và trở thành một công ty có khả năng khôi phục lượng nước trong môi trường nhiều hơn lượng nước tiêu thụ vào năm 2030.
Về phía nền tảng tin nhắn, Facebook Messenger đã hợp tác với Liên Hợp Quốc để cập nhật trải nghiệm chat ActNow của tổ chức này, đồng thời bổ sung thêm 10 cam kết hành động mới về chống biến đổi khí hậu có mặt cho Messenger, Instagram và website của Liên Hợp Quốc.
Bảo Lâm