Tài năng của Ozil sớm phát lộ trong màu áo Schalke 04 trước khi sang Werder Bremen rồi tỏa sáng liên tục ở Bundesliga. Năm 2009, khi Đức lần đầu vô địch U21 châu Âu, tiền vệ có đôi mắt trố này là cá nhân nổi bật. Ở World Cup một năm sau đó, Ozil thật sự bước ra ánh sáng của sân khấu bóng đá thế giới khi Đức giành HC đồng ở Nam Phi.
Đức nã bốn bàn vào lưới Australia tại vòng bảng, trước khi ghi số bàn tương tự vào lưới Anh và Argentina tại các trận đấu loại trực tiếp. Ozil luôn là trung tâm của những pha phản công thần tốc, và còn ghi bàn tuyệt đẹp ấn định tỷ số trước Ghana tại vòng bảng. Đó là một đội tuyển Đức hiện đại, khác hoàn toàn với hình ảnh của họ tại Euro 2008 và lần đầu tiên trong nhiều năm cho thấy sự tươi mới, hấp dẫn trong lối chơi. Ozil, ở vị trí của một số 10, được xem như một đại diện tiêu biểu cho tập thể trẻ trung, tài năng ấy.
"Xem Ozil chơi bóng ở đỉnh cao phong độ là một trải nghiệm tuyệt vời", tờ The Athletic bình luận. Rất ít cầu thủ cùng thời có thể tìm thấy khoảng trống như anh. Ozil cũng liên tục điều chỉnh vị trí bản thân dựa trên đối thủ. Nếu trung vệ kèm chặt, anh sẽ lùi xuống. Nếu đụng tiền vệ phòng ngự, anh sẽ dâng cao. Ozil luôn biết cách kéo đối thủ ra khỏi vị trí để tạo khoảng trống và cơ hội cho đồng đội, thường xuyên bứt tốc vào trung lộ giúp các tiền đạo cánh bó vào trong để dứt điểm.
Cách chơi ấy là lý do Ozil tạo cảm giác tươi mới khi anh xuất hiện. Anh không phải mẫu số 10 cổ điển bó buộc ở khu vực trung tâm và dễ dàng bị bắt chết bởi các tiền vệ phòng ngự. Những pha kiến tạo của Ozil đầy chất hào hoa, ví như cách anh nhả bóng bằng gót từ một đường phất dài để Karim Benzema ghi bàn cho Real, hay khi di chuyển xuyên qua hàng phòng ngự và vỉa bóng nghệ thuật để Pierre-Emerick Aubameyang chọc thủng lưới Leicester City hồi còn chơi cho Arsenal.
Ozil thăng hoa nhất khi gắn bó với Real, vào đúng giai đoạn HLV Jose Mourinho dẫn dắt đội này. Lúc đó "Người Đặc Biệt" nói: "Ozil là duy nhất. Không có một bản sao nào của cậu ấy - ngay cả những bản sao xấu xí. Cậu ấy là số 10 hay nhất thế giới hiện tại". Ông còn xếp Ozil ngang tầm những tiền vệ huyền thoại như Luis Figo, Zidane.
Suốt ba năm dưới trướng Mourinho, Ozil chơi trong vai trò tự do khi hoạt động ở trung tâm và cánh trái, thường xuyên kiến tạo cho Cristiano Ronaldo những đường bóng đẹp như mơ hoặc chạy chỗ tạo khoảng trống cho siêu sao người Bồ Đào Nha ghi bàn. Trong những trận El Clasico, Mourinho không ưu ái Ozil mà chọn sơ đồ ba tiền vệ trụ, song tiền vệ người Đức luôn là mẫu tiền vệ kiến thiết ưu việt của ông theo cách Juan Mata - một ngôi sao đá cùng vị trí và nổi lên cùng thời - không thể so bì. Khác biệt lớn nhất giữa họ là tốc độ khi phản công.
Với việc chuyển sang Ngoại hạng Anh hè 2013, Ozil lỡ cơ hội chạm tới vinh quang châu Âu - điều mà Real giành được ở bốn trong năm mùa giải sau đó. Thời gian của anh tại Arsenal khởi đầu tuyệt vời, trước khi dần trở thành một bộ phim truyền hình dài tập đủ sắc thái: từ khởi đầu chói sáng với tư cách cầu thủ đắt giá kỷ lục của đội, nửa mùa đầu 2015-16 xuất chúng - nửa mùa sau tệ hại, bốn Cup FA, phong độ thất thường dưới trướng Unai Emery, giai đoạn cuối bị ghẻ lạnh bởi Mikel Arteta và những bức xúc trên mạng xã hội khi không được lựa chọn.
Dần dà, Ozil được nhớ tới như một nhân vật để truyền thông giật tít hơn những đóng góp cho Arsenal trên sân cỏ. Dù vào những ngày đẹp trời, Ozil có thể toả sáng như một tiền vệ hay nhất thế giới. Vì thế, cách người ta nhớ về Ozil hoàn toàn dựa trên gu thưởng thức bóng đá: bạn thích một thiên tài kỹ thuật hay một cầu thủ nỗ lực không ngừng nghỉ?
Những người ủng hộ Ozil có thể chỉ ra phong độ bền bỉ của anh tại các giải đấu cấp đội tuyển, đặc biệt là chiến dịch vô địch World Cup 2014. Ozil không chỉ chơi tốt tại các giải đấu lớn năm 2010, 2012, 2014 và 2016 mà còn nắm kỷ lục nhận giải cầu thủ Đức hay nhất năm. Trong giai đoạn từ 2011 tới 2016, anh có đến năm lần nhận giải này. Ở cấp độ đội tuyển, Ozil là một nguồn cảm hứng.
Nhưng theo một cách nào đó, điều này cũng chỉ ra những hạn chế của anh. Bóng đá cấp ĐTQG khác nhiều cấp CLB, nơi các cầu thủ ăn tập cùng nhau ròng rã hơn chín tháng mỗi năm thay vì chỉ hội quân cùng nhau trong vài tuần. Bóng đá cấp tuyển chậm hơn, ít xoay quanh pressing hơn, ít những yêu cầu di chuyển chuyền bóng phức tạp và các cá nhân có thêm nhiều đất diễn để toả sáng. Nó phù hợp với Ozil và phong thái đủng đỉnh, nhưng đi sau bóng đá hiện đại ở cấp CLB tới cả thập kỷ.
Ở cấp CLB, Ozil không gặt hái thành công như với ĐTQG. Việc Real chỉ thực sự thăng hoa ở châu Âu khi anh ra đi và Gareth Bale cập bến là một bằng chứng cho sự lạc lõng của Ozil. Ở Arsenal, Ozil không hợp cạ với Olivier Giroud. Tiền đạo người Pháp thích tiếp cận khu vực có bóng để đón bóng cho các cầu thủ khác chạy vượt mặt mình. Ozil lại luôn thích người khác chạy chỗ để anh chọc khe. Giroud không phải mẫu cầu thủ tấn công thích luồn ra sau hàng phòng ngự đối phương, và Ozil cũng vậy, dẫn tới sự xung khắc.
Khi không có bóng, Ozil cũng không phải mẫu cầu thủ cần cù. Trong một số trận đấu nhất định, anh không không tham gia phòng ngự khi được phân công kèm tiền vệ hay hậu vệ cánh đối phương. Ozil không chỉ thiếu tích cực tham gia pressing đối phương mà còn là điểm yếu chí mạng khi bị pressing ngược. Trong thất bại 5-1 trước Liverpool tháng 2/2014, anh là một trong những cầu thủ tệ nhất Arsenal với hai lần mất bóng dẫn đến bàn thua. Arsenal bắt đầu trận đấu với tư cách đội đầu bảng nhưng nhanh chóng bị cuốn phăng bởi một Liverpool tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết.
Cầu thủ ghi bàn duy nhất cho Arsenal hôm ấy là Mikel Arteta – người sau này trở thành HLV của Ozil. Dù đã cố trao cơ hội cho đồng đội cũ khi mới lên nắm quyền, Arteta vẫn nhận ra những khoảnh khắc thiên tài là không đủ để bù đắp những nhược điểm trên sân của Ozil.
Và khi Arteta dứt khoát đoạn tuyệt với Ozil, không HLV hàng đầu nào khác đưa tay cứu vớt. Anh tìm về quê hương của cha mẹ - Thổ Nhĩ Kỳ - thi đấu với hy vọng tìm lại niềm vui, nhưng cũng không thành công. Lúc Ozil giải nghệ, Basaksehir - đội bóng cuối cùng anh khoác áo - vẫn là cái tên lạ lẫm với số đông công chúng yêu bóng đá thế giới.
Ozil là một cầu thủ của những nghịch lý. Từ một cầu thủ kiến thiết hiện đại bỗng trở thành người lỗi thời. Thích kiến tạo nhưng không phải mẫu cầu thủ của tập thể. Là một tiền vệ phản công tốc độ, nhưng dễ bị tốc độ của trận đấu bỏ lại đằng sau. Anh có số kiến tạo đáng mơ ước, nhưng cũng bị xem là "chẳng thể đánh giá qua thông số". Anh là cầu thủ Đức kiệt xuất của thế hệ mình, nhưng trở nên lạc nhịp bởi thứ bóng đá pressing tổng lực phần nào chịu ảnh hưởng từ chính bóng đá Đức.
Và đó là những thứ khiến Ozil càng trở nên thú vị. Một kẻ ngoài cuộc, một thiên tài bị ngoảnh mặt, có lẽ bị đánh giá bất công trong thời đại của anh và đôi lúc chính ở đội tuyển mà anh phụng sự.
Trong bài viết sau khi Ozil thông báo giải nghệ hôm qua, báo Anh The Athletic bình luận: "Đầu những năm 2010, Ozil từng được ví như một tiền vệ kiến thiết của tương lai, vậy nhưng anh lại kết thúc thập niên ấy như một cầu thủ lỗi thời. Cuộc sống vốn diễn ra nhanh chóng và sự tiến hoá của bóng đá thậm chí còn hơn thế".
Thịnh Joey (theo The Athletic)