Sau khi Maradona giải nghệ, bóng đá Argentina luôn mỏi mòn tìm kiếm một truyền nhân của "Cậu bé Vàng". Thế là, trong hơn hai thập niên gần đây, rất nhiều tài năng tấn công được ví von là "Maradona mới", dù sở hữu vị trí và lối chơi khác hẳn. Nhưng vượt lên trên tất cả, chỉ Messi thực sự trở thành siêu sao và nằm trong danh sách cầu thủ hay nhất lịch sử như Maradona.
Những so sánh đã xuất hiện từ khi Messi khởi nghiệp. Nhưng phải đến bàn thắng kỳ diệu vào lưới Getafe năm 2007, thế giới bóng đá mới có thể khẳng định anh đích thị là truyền nhân của Maradona.
So với Diego Latorre, Ariel Ortega, Pablo Aimar hay Javier Saviola... Messi sở hữu nhiều điểm tương đồng hơn cả với Maradona. Cả hai đều có chiều cao khiêm tốn, thuận chân trái, đeo áo số 10 tại Barca và đội tuyển Argentina. Về lối chơi, khả năng rê bóng như dính vào chân, kỹ năng đá phạt thượng thừa và kiến tạo siêu đẳng của Messi cũng có nét tương đồng Maradona.
Năm 2006, sau khi chứng kiến màn trình diễn của chàng trai 18 tuổi Messi trước Chelsea tại Champions League, Maradona khẳng định trên BBC: "Tôi đã nhìn thấy người sẽ kế thừa vị trí của tôi trong bóng đá Argentina, và tên cậu ấy là Messi. Cùng Ronaldinho, Messi là cầu thủ hay nhất thế giới. Cá nhân tôi thấy cậu ấy rất giống mình".
Dịp này cách đây 13 năm, ngày 17/4/2007, Messi đã cho cả thế giới thấy phẩm chất thiên tài của anh. Sân khấu cho màn trình diễn là Camp Nou, với hơn 53.000 khán giả có mặt để chứng kiến trận lượt đi Cup Nhà Vua Tây Ban Nha, giữa Barca với Getafe. Đội chủ nhà sớm mở tỷ số từ phút 18 nhờ công Xavi. Người kiến tạo là Messi. Chỉ 10 phút sau, tớt lượt Messi nhân đôi cách biệt sau khi nhận bóng từ chân Xavi. Chỉ khác là lần này, khó có thể tính đường chuyền của Xavi là một pha kiến tạo. Bởi điểm nhận bóng là từ giữa sân, nơi Messi thực hiện một pha độc diễn để đời qua nửa đội Getafe. Điểm trùng hợp là 21 năm trước đó, Maradona từng ghi một bàn thắng solo kỳ diệu tương tự vào lưới tuyển Anh tại tứ kết World Cup 1986.
Hai bàn thắng giống nhau từ điểm nhận bóng ở góc phải khu vực giữa sân, động tác giả loại bỏ cầu thủ đối phương, pha đi bóng kéo dài 60 mét trong hơn 10 giây cho tới việc lừa qua thủ môn để đưa bóng vào lưới trống. Maradona rê bóng qua bốn cầu thủ Anh gồm Peter Beardsley, Peter Reid, Terry Butcher, Terry Fenwick trước khi lừa qua nốt thủ thành Peter Shilton để ghi bàn thắng đẹp nhất thế kỷ 21 trong một cuộc bình chọn của FIFA năm 2002.
Trong khi đó, những nạn nhân của Messi bao gồm Javier Paredes, Nacho Perez, Alexis Ruano, David Belenguer và thủ môn Luis Garcia. Khi Messi đưa bóng vào lưới, đồng đội Eidur Gudjohnsen thậm chí còn đưa tay lên ôm đầu, như thể không tin vào những gì anh vừa chứng kiến. Đó có lẽ cũng là tâm trạng chung của hơn khán giả có mặt tại Nou Camp cùng những người xem truyền hình.
Barca hôm đó thắng Gefae 5-2, với ba bàn còn lại được chia đều cho Messi, Gudjohnsen và Samuel Eto. Nhưng cả thế giới bóng đá ngày hôm sau lại chỉ nói về siêu phẩm của Messi. Các đài truyền hình Catalan chiếu đi chiếu lại bàn thắng này và thậm chí còn chia đôi màn hình để so sánh với kiệt tác của Maradona năm 1986. Tờ Sport (Catalonia) đăng ảnh mặt của Messi trên trang bìa và chú thích: "Nếu bạn muốn hoá thân thành Chúa, chỉ cần cắt tấm hình này ra, đeo lên mặt".
Một tờ báo thân Real Madrid thậm chí còn ngợi ca: "Lạy Chúa! Con muốn rơi nước mắt. Bóng đá vạn tuế, Leo vạn tuế!". Ký giả Alfredo Relano của tờ AS ví von Messi với bậc thầy làm tranh giả Elmyr de Hory, người có đánh dấu món hàng nhái với một chữ ký viết ngược. Ông nhận định: "Hoá ra bạn vẫn có thể sao chép một tác phẩm nghệ thuật. Đây là một bản sao từ con đường, pha bứt tốc cho tới từng pha chạm bóng, đổi hướng đột ngột. Sự khác biệt duy nhất là việc Messi dứt điểm bằng chân phải thay vì chân trái như Maradona. Đó chính là chữ ký ngược của Messi".
Bàn thắng đẹp nhất lịch sử Barca
Năm 2016, trang Goal từng tìm tới những cầu thủ Getafe bị Messi rê qua ngày đó để phỏng vấn. Người đầu tiên bị bỏ lại là Javier Parades. Hậu vệ trái này cho biết anh không muốn phạm lỗi từ giữa sân với Messi và có nằm mơ cũng "không tin được Messi sẽ ghi được một bàn thắng tuyệt diệu nhường ấy".
Nạn nhân tiếp theo là Nacho Perez - người bị Messi "xâu kim". Tiền vệ này mỉm cười: "Tôi muốn làm rõ rằng bóng đã chạm vào hai chân tôi chứ không phải một pha xỏ háng gọn ghẽ như chúng ta thường thấy ở Messi sau này. Ngày hôm đó tôi chơi ở vị trí tiền vệ trái và vội vàng chạy về bọc lót cho Paredes, dẫn tới pha xỏ háng sau đó. Đã có lúc tôi bắt kịp và chạm được tay vào Messi. Khi cậu ấy tới gần vòng cấm, tôi đã cản đường chạy bên phải cậu ta, nhưng Messi vẫn tìm được cách ngoặt bóng sang trái".
Alexis Ruano và David Belenguer là hai rào cản cuối cùng của Messi trước khi đối mặt thủ môn. Họ từng hy vọng các đồng đội ở tuyến trên sẽ kịp cản Messi bởi một khi cầu thủ người Argentina vào tới vòng cấm, việc phạm lỗi là không thể. Alexis đã bị một thẻ vàng, do vậy Belenguer là người thực hiện pha chuồi bóng cuối cùng. Dù đã chạm khẽ vào bóng, anh vẫn thất bại trong việc ngăn cản pha độc diễn của Messi.
Sau trận đấu, trái với thái độ hài lòng của HLV Frank Rijkaard gọi bàn thắng của Messi là "kiệt tác nghệ thuật", HLV Getafe, Bernd Schuster tức tối vì cho rằng các học trò đáng ra phải phạm lỗi với Messi từ sớm hơn. Nhưng bàn thắng lịch sử đó không phải là điều bất ngờ duy nhất trong cặp đấu giữa Barca và Getafe.
Trong trận lượt về mà Messi không tham dự diễn ra sau đó vài tuần, Getafe bất ngờ đánh bại Barca tới 4-0 và giành vé vào trận chung kết. Theo Belenguer, nhiều người vì bàn thắng của Messi mà quên đi kết quả chung cuộc: "Bàn thắng ấy mang tới cho chúng tôi nhiều động lực trong trận lượt về".
Năm 2018, màn độc diễn vào lưới Getafe của Messi nhận danh hiệu "Bàn thắng đẹp nhất lịch sử Barcelona" trong cuộc bình chọn có hơn nửa triệu người tham gia. Kể từ năm 2007, Messi đã ghi hàng trăm bàn khác, trong đó có nhiều cú solo ngoạn mục. Nhưng không màn độc diễn nào đẹp bằng siêu phẩm vào lưới Getafe. Bởi nhờ nó, cả thế giới đều biết Lionel Messi là ai và có thể làm gì với trái bóng.
Thịnh Joey